Các trường hợp nói về sự cứng lòng

Khi nói đến sự cứng lòng, Kinh thánh có chép nhiều trường hợp. Nhưng tóm gọn lại thì chia làm hai nhóm chính. Đó là sự cứng lòng của dân ngoại, tức là phe chống nghịch với ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho dân tuyển. Nhóm thứ hai chính là dân tuyển, tự họ cứng lòng với luật pháp của Đức Chúa Trời.

Pha-ra-ôn, đại diện cho sự cứng lòng của dân ngoại, không cho dân Israel rời khỏi Ai Cập. Đến nỗi tưởng chừng đã mềm lòng cho rời đi nhưng giờ chót đổi ý và quyết tâm “cột trói” dân Israel cho bằng được. Kết cục của sự cứng lòng này là sự bại trận của toàn bộ nhân lực và ý chí. Kết cục của sự cứng lòng là sự thất bại đặt dấu chấm hết. Sự tuyệt diệt chính là hệ quả của việc cứng lòng.

Còn xét về góc nhìn từ Đức Giê-hô-va, điều đó đem lại kết cục tốt đẹp. Mặc dù theo Kinh thánh ghi chép, sự cứng lòng này là bởi Đức Giê-hô-va làm. Nhưng suy cho cùng, kết quả là dân Israel nhận biết quyền năng của Đấng có thẩm quyền cao nhất vũ trụ. Hơn hết đó là danh Ngài được tỏa sáng:

“Còn ta sẽ làm cho dân Ê-díp-tô cứng lòng theo dân Y-sơ-ra-ên xuống biển, rồi TA SẼ ĐƯỢC RẠNG DANH vì Pha-ra-ôn, cả đạo binh, binh xa, và lính kỵ người.” – Xuất Ê-díp-tô Ký 14:17

Một trường hợp khác Đức Giê-hô-va làm cho cứng lòng là Si-hôn, vua Hết-bôn (Phục-truyền Luật-lệ Ký 2:30). Mục đích để Đức Giê-hô-va phó Si-hôn bị bại trận dưới tay thủ lĩnh Môi-se và dân Israel.

Lúc này có sự nâng cấp trong cách huấn luyện của Đức Giê-hô-va. Đó là thay vì chính Ngài tự ra tay diệt kẻ thù như trong trận Biển Đỏ, thì bây giờ Ngài để cho đoàn quân của Môi-se tự bước ra chinh chiến (Phục-truyền Luật-lệ Ký 2:33).

Đó là hai trong các trường hợp điển hình cho sự cứng lòng thuộc phía kẻ thù của dân Israel. Nhưng kết cục mang lại sự chiến thắng, vinh hiển và sự tỏ ra quyền năng của Đức Giê-hô-va.

.

Thế còn đối với tuyển dân khi họ cứng lòng thì sao? Đức Jehova có khiến họ cứng lòng không?

Hoàn toàn không. Bởi vì sự cứng lòng của dân Israel vốn là sự chọc giận Đức Chúa Trời. Vì họ cứng lòng với Lời, tức là LUẬT PHÁP đã được ban hành.

Và cũng giống như kết cục của dân ngoại, sự cứng lòng của dân Israel cũng đưa họ đến sự tuyệt diệt đến nỗi mất cơ hội vào đất hứa sau bao lần cầu thay của Môi-se. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 29:19,20)

“Đức Giê-hô-va không khứng tha tội cho người, nhưng bấy giờ, cơn giận và sự kỵ tà của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng người, và hết thảy sự rủa sả ghi trong sách nầy sẽ chất nặng trên mình người; Đức Giê-hô-va sẽ xóa tên người khỏi dưới trời.”

Nếu đọc kỹ câu 20 trên sẽ thấy hậu quả không chỉ là bị truất ra khỏi xứ hứa mà còn kinh khủng hơn đó là bị xóa tên khỏi thiên đàng. (So sánh với Khải huyền 3:5)

Mạch ghi chép của Kinh thánh nói về sự cứng lòng kéo dài đến thời các vua, các tiên tri, đến khi bị lưu đày và mãi sau khi trở về từ lưu đày, thậm chí đến tận khi Chúa Jesus làm nhiệm vụ trên đất.

Nhưng tất cả sự cứng lòng của tuyển dân (từ dân thường cho đến cấp bậc vua) đều tuyệt nhiên KHÔNG PHẢI Ý MUỐN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.

Mà là bởi sự tự trở nên cứng lòng của… chính họ!

Đó là điểm khác biệt! Vì dân ngoại có thể biện minh rằng Chúa làm họ cứng lòng trong ngày phán xét. Nhưng đối với con cái trong Chúa (dân tuyển từ xưa đến nay) thì không thể biện minh như vậy cho bất kỳ hành động nào nghịch luật pháp, và nghịch với lẽ thật nói chung.

Bởi vì Đức Jehova và Chúa Jesus không bao giờ tác động ý chí tự do, hoặc xui khiến làm cho người đã biết lẽ thật bổng trở nên cứng lòng và quay lại chống nghịch luật pháp. Nếu cố ý gán ghép Đức Jehova xui khiến cho sự cứng lòng này tức là sự phạm thượng nghiêm trọng.

Phương chi trong giao ước mới của Jesus thì sự mềm lòng và suy phục luật pháp của Đức Jehova ngày càng hơn.

“Chớ có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và CHÍNH NGÀI CŨNG KHÔNG CÁM DỖ AI.” – Gia-cơ 1:13

SUY NGẪM: Con cái của sự thật tự nghĩ về sự cứng lòng của mình có làm rạng danh Đức Jehova không? Hay là sự cứng lòng làm cho mình đứng chung nhóm với Pha-ra-ôn?

.

Châm ngôn 21:1 có ủng hộ những việc làm trái ý muốn của Đức Chúa Trời?

Nếu nói đến những câu chuyện về Pharaoh, David, Solomon, Nebuchadnezzar, Cyrus, … thì có thể thấy đúng là ý định của Đức Chúa Trời đã tác động lòng các vua để xoay chuyển cục diện chiến lược sao cho mọi thứ luôn diễn ra đúng kế hoạch.

Đó là kế hoạch gì?

Là kế hoạch ban cho sự cứu rỗi đối với loài người. Một kế hoạch phục vụ cho ý muốn tốt lành của Ngài. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lĩnh là Con của Ngài. (Ê-phê-sô 1:10)

Cho nên nếu đem câu này (Châm ngôn 21:1) ra khỏi góc nhìn tổng quan để gán ghép vào một khía cạnh riêng trong cuộc sống cá nhân (Đây là một kiểu giải sách Châm ngôn mà giáo hội thường dùng), thì sẽ dẫn đến những kết luận rất mâu thuẫn với Lời của Đức Chúa Trời.

Nếu giải nghĩa theo kiểu giáo hội, vậy chuyện Solomon biến đất nước của mình thành một quốc gia đa thần Babylon chẳng lẽ là bởi Đức Jehova làm cho lòng ông nghiêng lệch??

Điều này có nghĩa, không phải chuyện nào các vua như David, Solomon thực hiện đều là bởi Đức Jehova muốn vậy. Chỉ có những việc mà Đức Jehova phán biểu các vua làm, thông qua các tiên tri, mới là điều mà Đức Jehova muốn các vua làm mà thôi.

.

Tại sao nhận biết điều này có thể thay đổi cuộc sống của bạn?

Bởi vì bạn sẽ được giải thoát khỏi chính ý muốn tội lỗi của mình khi tự nhận thức rõ ràng chính bạn là nguyên nhân của sự cứng lòng chứ không phải bởi một thế lực siêu nhiên nào, hay là bởi Đức Chúa Trời làm cho bạn cứng lòng.

Khi đó, bạn mới có thể cầu nguyện Đức Chúa Trời giải thoát cho bạn khỏi sự cứng lòng, hay còn gọi là giải thoát khỏi ý muốn cá nhân đang chống nghịch luật pháp.

Và điều đó giúp bạn tránh khỏi cách tư duy sai lầm như Adam khi phạm tội. Đó là ông gián tiếp đổ lỗi cho Đức Chúa Trời chứ không tự khai là do chính bản thân ông ham muốn trái của cây tri thức.

Đặc biệt, thời tân ước, một ví dụ điển hình khi nói đến sự ly dị của vợ chồng thì Chúa Jesus quở trách thẳng thừng. Bởi vì đây là điều chống nghịch quy luật muôn đời của Đấng Tạo Hóa tối cao, gây nên bởi sự cứng lòng của chính con người (chứ không phải Đức Jehova xui khiến):

“Ngài phán rằng: Vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môi-se cho phép để vợ; nhưng, lúc ban đầu, không có như vậy đâu.” – Ma-thi-ơ 19:8

Scroll to Top