Một trong những lễ Vượt qua đáng chú ý nhất, vui mừng nhất và đánh dấu cột mốc đặc biệt nhất được chép lại trong Kinh Thánh đó là lễ Vượt qua đầu tiên có đền thờ Đức Giê-hô-va được xây lại sau 70 năm không có đền thờ (Đền thờ đầu tiên bị đế quốc Babylon của Vua Nê-bu-cát-nết-sa phá hủy năm 586 BC, đến năm 536 BC được xây lại trong bối cảnh nhiều thử thách và chỉ hoàn tất 100% vào năm 516 BC) (theo E-xơ-ra 6).
Các bối cảnh xảy ra trước, trong và sau giai đoạn này có ý nghĩa đặc biệt đã được bày tỏ cho những người tin Đức Giê-hô-va. Việc thấu hiểu giai đoạn lịch sử này trang bị cho chúng ta một kiến thức nền để dẫn vào nhiều lẽ thật và góc nhìn đại cuộc cho đời sống, đặc biệt là sự khuếch đại đền thờ trong kỳ Chúa Jesus.
.
Đền thờ số 2 được xây lại trên nền đất của đền thờ số 1 (trước đây do Solomon xây và khánh thành năm 1026 BC)
Nền đất này từ thời xa xưa trước đền thờ số 1 chính là sân đạp lúa của Ọt-nan, người Giê-bu-sít, trên núi Mô-ri-a (I Sử Ký 21, II Sử Ký 3). Theo lệnh của thiên sứ, Vua David phải đi lên dựng một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va tại sân đạp lúa của Ọt-nan. Và bởi vì đây là tài sản thuộc về Ọt-nan nên David đã mua nó với 600 siếc-lơ vàng. Sau khi David dâng các tế lễ thiêu, tế lễ bình an trên bàn thờ tại sân đạp lúa này, Đức Giê-hô-va mới cho dừng lại sự trừng phạt giáng ôn-dịch trên dân sự do trước đó David đã phạm tội qua hành vi truyền cai số dân.
Quay trở lại chuyện xây đền thờ số 2. Dân Israel bị bắt đi lưu đày năm 606 BC. Sau đó ứng nghiệm lời tiên tri Giê-rê-mi 25:11, đây cũng là lời tiên tri được Daniel tìm đọc và nhận biết được thời điểm ứng nghiệm (Daniel 9), vào cuối giai đoạn 70 năm kể từ 606 BC tức là năm 537 BC, dân Israel được Vua Si-ru (vừa khi lên nắm quyền nước Ba Tư, trong năm thứ nhất dưới triều) ra chỉ thị cho phép về Giê-ru-sa-lem xây lại đền thờ (E-xơ-ra 1).
Thật ra Daniel được tiên tri về tất cả các đời của của đế quốc Ba-Tư (“Nầy, có ba vua nữa sẽ xuất hiện tại Ba Tư” – Daniel 11:2). Quả đúng như vậy khi tìm hiểu lịch sử về các đời vua Ba-Tư trước khi bị Hy Lạp chinh phục, Daniel 10:20, Daniel 8:21, và sau đó là lời tiên tri giai đoạn kéo dài 490 năm tới thời điểm của Chúa Jesus (bắt đầu từ năm 458 hoặc 457 BC đến lúc Ê-tiên tuận đạo).
Ngoài ra, Vua Si-ru còn kêu gọi dân chúng giúp đỡ người Giu-đa về của cải, lễ vật lạc hiến và Vua ra quyết định trả lại những vật dụng của đền thờ Đức Giê-hô-va mà trước đây Babylon đã đem đi khỏi Giê-ru-sa-lem. Riêng số lượng những vật dụng bằng vàng, bạc là lên đến 5400 cái (E-xơ-ra 1:11).
Đoàn dân Israel trở về Giê-ru-sa-lem có gần 50.000 người (E-xơ-ra 2) dưới sự lãnh đạo của Xô-rô-ba-bên, Giê-sua, và các trưởng-tộc.
Đến năm thứ hai sau khi dân Israel đã ở trong bổn thành mình, tức năm 536 BC, mới khởi công xây cất đền thờ. Trong đó người Lê-vi từ 20 tuổi trở lên được phân công cai quản công trình. Công việc xây dựng được diễn ra trong sự thờ phượng vui mừng, ngợi khen.
“Khi các thợ xây nền đền của Đức Giê-hô-va, thì có những thầy tế-lễ đứng đó mặc áo lễ và cầm kèn, còn những người Lê-vi, con-cháu A-sáp, đều cầm chập-chỏa, đặng ngợi-khen Đức Giê-hô-va y như các lễ-phép của Đa-vít, vua Y-sơ-ra-ên, đã lập ra.” (Exơ-ra 3:10)
Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó diễn ra trên công trình dự án xây đền thờ không được êm đẹp. Nhiều thử thách đã xuất hiện để ngăn cản việc xây dựng, xuất phát từ các thù nghịch của Giu-đa và Bên-gia-min.
Những kẻ thù nghịch này đã xui cho dân Giu-đa ngã lòng nhát sợ, hối lộ cho những mưu sĩ để chống phá dự án.
Trong đoạn E-xơ-ra 4 có liệt kê tất cả những thử thách, chống phá của việc xây dựng đền thờ. Cho nên việc xây dựng phải ngừng lại và đến năm 520 BC, tức là năm thứ hai của Vua Đa-ri-út (nước Ba Tư), việc xây dựng mới có thể tiếp tục, kéo dài đến 4 năm sau, tức là năm 516 BC thì hoàn thành.
.
Điều chúng ta cần biết ở đây là việc liên hệ đến đời sống hiện tại
Thông qua câu chuyện này, những giá trị tinh thần chúng ta học được là gì khi ngày nay không phải là đi xây đền/nhà thờ vật chất bằng gạch đá có thể thấy được bằng mắt?
Cũng như ngày nay, khi bạn xây “đền thờ” đúng theo ý muốn của Chúa Jesus thì những người còn muốn xây đền thờ bằng gạch đá sẽ kiện cáo bạn như thế nào?
“Họ sẽ đuổi các người ra khỏi nhà hội; vả lại, giờ đến, khi ai giết các ngươi, tưởng rằng thế là hầu việc Đức Chúa Trời.” – Giăng 16:2
Và quá trình “xây dựng đền thờ” ngày nay chúng ta gặp phải những thử thách tương tự như thế nào xét về mặt giá trị tinh thần? Và quan trọng hơn Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ chúng ta tiếp tục như thế nào?
Trong câu chuyện xây đền thờ số 2, chính Đức Giê-hô-va đã sử dụng hai người nói tiên tri trong thời điểm đó là A-ghê và Xa-cha-ri (E-xơ-ra 5:1) để rao truyền lẽ thật, thúc đẩy tinh thần dân sự và kêu gọi sự chỗi dậy của Xô-rô-ba-bên, Giê-sua để xây tiếp đền thờ sau thời gian trì hoãn vì bị chống phá.
Nếu đọc lại cả đoạn E-xơ-ra 5, bạn sẽ thấy kẻ thù luôn luôn là kẻ thù. Khi Israel vừa tiến hành khởi động lại dự án (năm 520 BC) thì ngay lập tức có sự kiện cáo “Ai ban lịnh cho các ngươi cất cái đền nầy và xây vách-thành nầy lên?” (E-xơ-ra 5:3)
Tuy nhiên, Vua Đa-ri-út tại thời điểm đó là người hiểu chuyện, đã xem lại chiếu chỉ của Cựu Vua Si-ru được lưu giữ trong thư việc thì mới biết việc xây đền thờ này là hợp lẽ. Sau đó Vua Đa-ri-út hết lòng hỗ trợ Israel xây lại đền thờ. Như đã nói, đền thờ được xây dựng thuận lợi kể từ thời điểm đó và hoàn thành vào năm thứ sáu đời Vua Đa-ri-út (năm 516 BC). Khoảng hơn một tháng sau khi đền thờ xây xong là lễ Vượt qua đầu tiên mà dân Israel có đền thờ sau 70 năm.
.
Vậy thì thông điệp của hai người nói tiên tri A-ghê và Xa-cha-ri có nội dung gì quan trọng có thể khiến cho lòng dân sự thức tỉnh và hăng hái xây tiếp đền thờ?
* Tiên tri A-ghê:
Sách A-ghê đoạn 1 cho thấy dân sự đang buông bỏ công việc xây đền thờ đang dang dở để lo xây nhà riêng cho bản thân mình.
Đức Giê-hô-va vạn quân phán: ‘Ấy là vì nhà Ta vẫn còn đổ nát, mà các ngươi thì ai nấy bận rộn lo cho nhà riêng mình. Bởi thế, vì các ngươi mà trời giữ lại sương móc, và đất cũng giữ lại hoa màu. Ta đã gọi cơn hạn hán đến trên đất, trên núi non, trên ngũ cốc, trên rượu mới, trên dầu, trên sản vật do đất sinh ra, trên người, trên súc vật, và trên mọi việc do tay làm ra.’ (A-ghê 1)
Để giục lòng dân sự tập trung xây đền thờ, Ngài đã có những lời hứa về ban phước lành (A-ghê 2:10-23) và chép rõ Xô-rô-ba-bên là người lãnh đạo được Đức Giê-hô-va chọn để dẫn dắt việc xây đền thờ (A-ghê 1:1).
Mặc dù vậy, ngay từ ban đầu, Đức Giê-hô-va đã phán “Trời là ngai ta, đất là bệ-chân ta. Các ngươi sẽ xây nhà thể nào cho ta? Các ngươi sẽ lấy nơi nào làm chỗ nghỉ-ngơi cho ta?” (Ê-sai 66:1)
Phải chăng ngày nay, tất cả hệ thống tôn giáo Cơ Đốc lo đi xây các nhà thờ cho riêng hệ thống của mình mà bỏ quên đền thờ đúng ý Chúa Jesus – là đền thờ thật sự mà vốn dĩ Yahweh không cần bàn tay con người xây nên bằng gạch đá hay của cải.
“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy phá đền-thờ nầy đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại!” – Giăng 2:19
Vì cớ các giáo hội làm điều đó nên trời giữ lại sương móc, sự hạn hán trên đất, trên rượu, dầu,… (theo nghĩa thuộc linh) Hay còn gọi là các ơn phước không được tuôn đổ trên những người bỏ bê đền thờ thật của Chúa Jesus.
* Tiên tri Xa-cha-ri:
Các khải tượng về người cưỡi ngựa, 4 sừng và thợ rèn, người cầm dây đo,… ở đây giải thích ra sẽ rất dài. Quan trọng là cần hiểu chủ đề tổng đang nói về sự xây lại đền thờ số 2.
Đặc biệt chú ý lời kêu gọi hành động Xa-cha-ri 2:6-12, ở đây là sự kêu gọi thoát ra Babylon. Tức là để sắm sửa cho đền thờ số 2, Đức Yahweh kêu gọi con dân thoát ra Babylon để trở về Giê-ru-sa-lem.
Tương tự ngày nay để sắm sửa cho đền thờ đúng lẽ thật, tức là Đức Chúa Trời toàn năng và Chiên Con (“Tôi không thấy đền thờ nào trong thành, vì Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng và Chiên Con là đền thờ của thành.” KH 21:22) sau giai đoạn 1000 năm Jesus trị vì, hoặc đền thờ Đức Chúa Trời trên trời (“Đền thờ của Đức Chúa Trời ở trên trời mở ra, bên trong thấy có Hòm Giao Ước của Ngài, rồi có những tia chớp, tiếng nói, tiếng sấm, động đất và mưa đá lớn.” KH 11:19) trước giai đoạn 1000 năm.
Và một cách hiểu khác về đền thờ của hiện tại chính là thân thể Chúa Jesus (Giăng 2:21) và thân thể chúng ta, những người tin Yahweh và Jesus (I Cô-rinh-tô 6:19).
Mà muốn xây cho đúng đền thờ như lẽ thật đã bày tỏ trên, ai nấy cần thoát ra khỏi sự lộn xộn của Babylon.
Lời kêu gọi hành động trong sách Xa-cha-ri có thể so sánh với lời kêu gọi hành động trong Khải Huyền 18:4.
# Sự khuếch đại của Babylon:
Babylon của thời Xa-cha-ri chỉ là người đàn bà ngồi trong cái thúng (Xa-cha-ri 5:8), nhưng Babylon trong Khải huyền được khuếch đại lên gấp nhiều lần, trở thành một đại dâm phụ đang ngồi trên các dòng nước (KH 17:1).
Sách Giê-rê-mi có đề cập đến lời kêu gọi ra khỏi Babylon qua các thời đại và Khải huyền 18 cũng áp dụng chính lời kêu gọi tương tự trong Giê-rê-mi 50 nhưng ở một mức độ khuếch đại hơn.
Babylon từ thể hữu hình (người, nơi chốn) nay đã nở rộng thành thể rộng lớn vô hình đến nỗi không thể chỉ ra Babylon ở đây hay ở đó, mà nó ở trong trí người ta dưới dạng các giáo lý, hệ tư tưởng lộn xộn, điền hình như trinity god (thần 3 ngôi) từ Công giáo La Mã.
Và nói tới đền thờ thì không thể thiếu cái chân đèn. Hay nói ngược lại cũng đúng, nhắc tới chân đèn thì liên tưởng ngay đến đền thờ. Nếu thân thể mình là đền thờ thì Chúa Jesus nói mắt chính là đèn của thân thể (Matthew 6:22).
Còn đền thờ ở thời Xa-cha-ri bằng gạch đá do người ta xây nên thì đèn chính là biểu tượng gợi nhớ cho đền thờ Đức Giê-hô-va.
Vì vậy thị kiến về chân đèn vàng và hai cây ô-liu trong Xa-cha-ri 4. Trong đó có chân đèn và một cái bình dầu trên đỉnh. Bình dầu này rót dầu vào 7 ngọn đèn qua những cái ống dẫn. Và dầu chảy vào từ cái bình để cung cấp cho 7 ngọn đèn đó xuất phát từ dầu tiết ra của 2 cây ô-liu.
Thứ nhất dầu chảy vào là Thánh Linh/Thần của Đức Giê-hô-va. Bởi Thánh Linh mà dân Israel mới xây được đền thờ trong thời gian khó khăn. Tương ứng hình ảnh dầu là nguyên liệu cho đèn tỏa sáng. Xa-cha-ri 4:6
Ngày nay, bản thân chúng ta luôn cần Thánh Linh của Đức Giê-hô-va để xây đền thờ là thân thể Chúa Jesus và chính chúng ta.
.
Hai chứng nhân
Và dầu/Thánh Linh được phát xuất từ 2 người/cây ô-liu được Đức Giê-hô-va chọn để tuôn đổ Thần của Ngài. Và 2 người được xức dầu tại thời điểm này để khởi chức vụ dẫn dắt dân sự xây đền thờ số 2 chính là Xô-rô-ba-bên, Giê-sua.
Tương tự Khải huyền là sự khuếch đại của sự ứng nghiệm ở diện rộng hơn. Khải huyền 11 có nói về hình ảnh hai người làm chứng như một sự khuếch đại từ Xa-cha-ri 4 trong việc xây dựng đền thờ/Hội thánh thật.
Liên quan đến những nhóm người muốn được tham gia, hỗ trợ xây đền thờ thì Đức Giê-hô-va đều mở đường cho phép họ làm như vậy. Những người đó bao gồm Hiên-đai, Tô-bi-gia, và Giê-đa-gia (Xa-cha-ri 6:10). Trong đó Giê-đa-gia thuộc họ thầy tế lễ. Ý nghĩa tên của những người này rất hay. Hiên-đai nghĩa là “worldliness”, Tô-bi-gia nghĩa là “Yah is my good”, Giê-đa-gia nghĩa là “Yah has known” (theo biblehub.com)
Nếu dịch ra cả câu, có thể hiểu ý thế này: “Đấng Yahweh tốt lành đã biết rõ những sự xảy ra trên đất.”
Lưu ý ở đây nhân vật Tô-bi-gia này khác với Tô-bi-gia của dân Am-môn là kẻ thù của Israel, ngăn trở việc tu bổ thành trong thời của Nê-hê-mi. Tô-bi-gia trong Xa-cha-ri 6:10 là thuộc nhóm những kẻ phu tù nay trở về Israel.
# Người Am-môn là dòng dõi của Lót, là con của người em, trong khi Mô-áp là con của người chị. Người A-môn họ thờ thần Minh-côm, một thần gớm ghiếc mà Sa-lô-môn đã từng cúng thờ khi bị cám dỗ cưới vợ là người Am-môn. Trong Nê-hê-mi 13:2 có nói dân Am-môn đời đời không được vào hội của Giê-hô-va vì họ kết hợp với dân Mô-áp mướn Ba-la-am rủa sả dân Israel vào thời kỳ Israel sống trong hoang mạc Mô-áp. Số phận của dân này đã bị Đức Giê-hô-va báo thù như đã tiên tri trong Giê-rê-mi 49.
# Riêng nhắc đến chuyện Ba-la-am thì nhớ đến Phục truyền 23:5 “Nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em không nghe Ba-la-am nên đã đổi lời nguyền rủa thành lời chúc phước cho anh em, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em yêu thương anh em.” Đoạn này cho thấy ngày nay sẽ có sự nguyền rủa từ thế lực kẻ thù nào đó đối với con dân của Đức Giê-hô-va nhưng chính Đức Giê-hô-va mới là Đấng quyết định xem lời rủa có đến được với con dân không, hay sẽ hóa ra lời chúc phước. Tất cả bởi sự yêu thương của Ngài.
# Và hễ nhắc đến Ba-la-am, thì cũng không thể quên một điều được đề cập trong Khải huyền 2:14. Nhưng trước khi bàn đến khải huyền thì câu chuyện về mưu của Ba-lác và Ba-la-am luôn được Đức Giê-hô-va đề cập như lời răn đe, đối nại và cảnh giác cho dân Israel (Mi-chê 6). Thời sau Chúa Jesus, Phi-e-rơ đã gọi Ba-la-am là kẻ tham tiền công của tội ác và cảnh báo các sứ đồ coi chừng đi theo con đường sai lạc của Ba-la-am. (II Phi-e-rơ 2:15).
# Vậy đạo của Ba-la-am trong Khải huyền 2:14 là gì? khải huyền thì có trình bày rất rõ Ba-la-am đã dạy Ba-lác đặt hòn đá ngăn trở dân Israel đặng dụ dỗ ăn thịt cúng thần tượng. Câu chuyện trong Dân số ký 25 là việc Israel mang ách thờ cúng Ba-anh Phê-ô do bị dụ dỗ bởi những người nữ Mô-áp. Sự việc này xảy ra do sự rủa sả trước đó không thành công nên Ba-la-am đổi chiến lược do người này biết điểm yếu của Israel. Thay vì rủa sả trực diện thì Ba-la-am nghĩ ra cách để dân Israel tự rời bỏ Chúa của họ, bằng cách thông qua những người nữ Mô-áp. Khải huyền 2:14 là sự khuếch đại của Dân số ký 25. Nghĩa là đoạn Khải huyền này nói về một thời kỳ mà satan đã thay đổi chiến lược áp dụng đối với Israel thuộc linh. Thay vì bắt bớ, giết chết về mặt trực diện thể xác thì chuyển sang hướng quyến dụ những thứ hấp dẫn khó cưỡng, bằng cách nâng đạo Chúa lên thành quốc giáo (hay công giáo), tôn thờ trinity god (thần 3 ngôi), chuyển đổi Sabat sang ngày chủ nhật, cho thực hiện các tập tục phù hợp thế giới và “đạo lý dân tộc” như đốt nến, thắp nhang, thờ người chết, giáng sinh 24/12,… Ba-la-am hay Ni-cô-la là những hình ảnh tượng trưng cho đạo giả, tiên tri giả. Nên không phải ngẫu nhiên mà đầu thông điệp gửi cho Bẹt-găm, Chúa Jesus tự xưng là Đấng có thanh gươm nhọn hai lưỡi. Vì đây là tội tày trời nên sẽ dùng gươm để giao chiến (KH 2:16). Nếu để ý trong Dân số ký 25 thì sau khi Israel phạm tội, Phi-nê-a, cháu của A-rôn, đã dùng giáo đâm xuyên bụng người Israel nào phạm tội và đâm luôn cả người nữ Cốt-bi.
# Nhắc tới hòn đá, có nhiều hình ảnh liên tưởng thú vị: Nếu phía kẻ thù có một hòn đá, nhưng là hòn đá ngăn trở dân Israel, đó là những kẻ theo đạo Ba-la-am bày kế cho Ba-lác dụ dỗ Israel thờ thần khác (KH 2:14). Thì ở chiều ngược lại, cũng có những hòn đá. Đó là, Hòn đá mà Giô-suê dùng để làm chứng sau khi dân sự tuyên thệ một lòng đi theo Đức Giê-hô-va, vào sống ở đất hứa. (Giô-suê 24:27); Hòn đá 7 mắt của thiên sứ đặt trước mặt Giê-hô-sua trong thời kỳ xây lại đền thờ số 2 (Xa-cha-ri 3:9); Hòn đá mà Giê-su tuyên bố với Phi-e-rơ để lập Hội thánh, giao chìa khóa nước thiên đàng là hòn đá của lời xác chứng chuẩn xác “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:16).
Quay trở lại câu chuyện xây đền thờ số 2 trong Xa-cha-ri. Giê-sua/Giê-hô-sua (con của Giô-xa-đác) được đội mũ triều thiên và mũ này được để làm sự ghi nhớ trong đền thờ Giê-hô-va. Nghĩa của tên Giô-xa-đác là “Yahweh là sự công chính”, nghĩa của tên Giê-hô-sua là “Yahweh giải cứu”.
Trước đó Xa-cha-ri đoạn 3 chép về khải tượng Giê-hô-sua bị Satan kiện cáo. Giê-hô-sua được xem là “cái đóm đã kéo ra từ lửa” và được thiên sứ của Giê-hô-va mặc cho một cái áo đẹp. Đức Giê-hô-va đã quở trách Satan vì đã kiện cáo Giê-hô-sua.
Kế đó, cũng trong Xa-cha-ri đã có tiên tri về một “Chồi-mống”, tiếng anh là “the Branch”. The Branch này có xuất hiện trong sách tiên tri Ê-sai 4:2 “Trong ngày đó, chồi (the Branch) của Đức Giê-hô-va sẽ làm đồ trang-sức vinh-hiển của những kẻ sót lại trong Y-sơ-ra-ên, sản-vật dưới đất sẽ làm sự tốt-đẹp cho chúng nó.”
.
Ở đây cũng có một sự khuếch đại về đền thờ
Thời của Giê-hô-sua (trong Xa-cha-ri), đền thờ Đức Giê-hô-va chỉ là một cái đền thờ vật chất bằng gạch đá, nằm trong Giê-ru-sa-lem, ở sân đạp lúa của Ọt-nan. Nếu nhìn từ ngoài vũ trụ vào thì chỉ là một cái chấm nhỏ bé đến nỗi không thấy được, chưa bằng một hạt cát giữa ngôi nhà trái đất bao la. Nhưng đến thời Chúa Jesus (là Chồi-mống nứt ra từ Giê-hô-sua), Ngài cũng sẽ xây một cái đền thờ cho Đức Giê-hô-va. Và đây là đền thờ được xây lại chỉ trong 3 ngày. Giăng 2:19
Đền thờ thật mà Chúa Jesus không có ở trên đất này. Mặt đất này không thể chứa nỗi đền thờ thật của Đức Giê-hô-va. Đền thờ thật là sự khuếch đại gấp nhiều lần cái đền thờ vật chất mà người ta xây nên. Đền thờ thật là đền thờ ở trên trời, là ngôi nhà thật của Đức Giê-hô-va, là sự bao trùm cả hệ vũ trụ vượt ngoài sự tưởng tượng của con người.
Và đền thờ thật trên trời có Hòm giao ước, tức là luật pháp của Đức Giê-hô-va được bảo tồn, được thực thi thông qua Lời của Đức Chúa Trời. “Lời Đức Chúa Trời” chính là danh của Chúa Jesus được bày tỏ sau cùng trong khải huyền.
Cho nên ngày nay sự thờ phượng thật không phải là chui vào một cái chấm nhỏ bé trên mặt đất mà là ngước lên trời, thờ phượng bằng tâm linh và chân lý. Nghĩa là cho dù ở bất cứ đâu trong cả mặt đất này, thậm chí cả vũ trụ này, thì bởi tâm linh và bởi chân lý (tức là Thánh Linh và Lời Đức Chúa Trời) mà tương giao với Đức Giê-hô-va.
Và đỉnh cao nhất về sự khuếch đại đền thờ được bày tỏ sau 1000 năm bình an đó là: “Tôi không thấy đền thờ nào trong thành, vì Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng và Chiên Con là đền thờ của thành.” – Khải huyền 21:22