Vừa mở đầu thông điệp, ngay lập tức Đức Giê-hô-va kêu gọi sự chú ý lắng tai nghe từ mọi đối tượng. Một sự kêu gọi dồn dập, tập trung “HÃY ĐẾN GẦN MÀ NGHE!… HÃY ĐỂ Ý!… HÃY ĐỀU NGHE!”. (Ê-sai 34)
Mà trước khi đi vào thông điệp gì quan trọng tới nỗi phải có sự kêu gọi cấp thiết như vậy, chúng ta cần hiểu đối tượng cần phải nghe là ai.
Đó là các nước, các dân, đất và mọi vật trong nó, thế gian và mọi vật sanh ra đó.
Nghĩa là tất cả mọi thứ từ người đến thú vật muôn loài, cỏ cây, đất đai, núi, biển, sông cho đến các thành, thuộc mọi vị trí địa lý, mọi quyền thế.
.
Mà vì sao Ngài bắt tất cả mọi thứ phải tập chung chú ý nghe Ngài như vậy, có chuyện gì mà quan trọng vậy?
Bởi vì… Ngài đang giận!
“Vì Đức Giê-hô-va nổi giận nghịch cùng mọi nước; cơn thạnh nộ Ngài nghịch cùng cả đạo binh họ; Ngài đã giao họ cho sự diệt vong, phó cho sự đánh giết.”
Tầm mức của cơn giận này có lớn không? Có! Giận dữ khủng khiếp, đến nỗi:
“Cả cơ binh trên trời sẽ tan tác, các từng trời cuốn lại như cuốn sách; cả cơ binh điêu tàn như lá nho rụng, như lá vả khô rơi xuống.” – Ê-sai 34:4
Sự giận của Đức Giê-hô-va làm kinh thiên động địa. Cơ binh trên trời phải tan tác và điêu tàn như lá nho rụng, lá vả khô rơi xuống. Các từng trời như quyển sách cuốn tròn.
Một hình ảnh quen thuộc được bắt gặp ở đây:
“Các vì sao trên trời sa xuống đất, như những trái xanh của một cây vả bị cơn gió lớn lung lay rụng xuống. Trời bị dời đi như quyển sách cuốn tròn, và hết thảy các núi các đảo bị quăng ra khỏi chỗ mình… Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi?” – Khải huyền 6
Hễ gặp hình ảnh này, hãy hiểu rằng đó là hệ quả bởi sự tức giận của Đấng chủ tể vũ trụ. Đó là sự làm cho các cơ binh (vì sao) từ trời sa xuống và thất thế. Tương tự như một sự truất phế vị trí lãnh đạo yếu kém của vùng/miền/khu vực đó để người đứng đầu trực tiếp thi hành lại công lý (một cuộc tổng trừng phạt).
“Các ngươi sẽ chết như loài người, sa ngã như một quan trưởng.” (Thi thiên 82)
Quyển sách cuốn tròn như thánh chỉ được ban hành đến lúc thực thi. Mệnh lệnh trừng phạt làm cả nền trái đất và tầng trời rúng động.
Vì gươm của Đức Giê-hô-va đã được uống đủ ở trên trời và đến lúc giáng xuống sự đoán xét, đầy những máu trên thành Bốt-ra, cả xứ Ê-đôm vì cớ BÁO THÙ cho Si-ôn (Ê-sai 34:5-8). Và sự tế tự ở Bốt-ra tương đồng với hình phạt thanh trừng loài người bằng cách dùng thú dữ cắn xé (Phục truyền luật lệ ký 28:26).
Hình ảnh về một Đức Giê-hô-va lúc giận dữ đã được khắc họa rất đa dạng: “mặc áo nhuộm, bận đồ hoa mĩ, cậy sức mạnh cả thể, kéo bộ cách oai nghiêm… đạp bàn ép rượu… nghiền nát ra: máu tươi họ đã vảy ra trên áo ta, áo xống ta đã vấy hết.” (Ê-sai 63)
Hậu quả mà Ê-đôm phải chịu đó là đất đai không còn sự sống vì đã biến thành nhựa thông, hằng bay lên những luồng khói (hình ảnh quen thuộc của Sô-đôm và Gô-mô-rơ), gai gốc mọc lên trong các lâu đài, trở thành hang chó đồng, chỗ nghỉ của các loài chim.
Song song với sự báo thù Ê-đôm (dân có tổ phụ là Ê-sau) vì cớ dân này xâu xa đã tranh chiến với Gia-cốp trong lòng mẹ Rê-bê-ca (Sáng thế ký 25:21), về sau mâu thuẫn với đoàn dân của Môi-se bằng cách chặng đường cái (Dân số ký 20:20) và trên lối đường vòng đó mà dân sự ngã lòng, cùng nhiều mâu thuẫn tiếp theo nữa mãi đến khi tiên tri Áp-đia “kết sổ” về số phận của Ê-đôm.
Sách Áp-đia là sách ngắn nhất trong các sách tiên tri nhưng chứa đựng nhiều bí mật thuộc linh. Trong đó tiết lộ tội lỗi tày trời của dòng dõi con cháu của Ê-sau, tiếp tay cho dân ngoại quốc đánh chiếm Jerusalem, dùng gươm đuổi theo anh em mình (xem thêm A-mốt 1:11). Hay nói cách khác là mở đường cho dân ngoại đánh chiếm trong khi ngày xưa lại chắn ngang đoàn dân của Môi-se xin đi qua con đường cái từ phía đông nam vào xứ hứa.
Cho nên khi Ê-đôm bị tận diệt, xem như con đường dân Israel trở về Jerusalem sau khi bị lưu đày, đặc biệt là nhóm dân sót tản lạc ở Ai-cập, được rộng mở cho họ. Nên mới có câu nói “Tại đó sẽ có một đường cái, và một lối gọi là đường thánh.”
“Tại đó sẽ có một đường cái, và một lối gọi là đường thánh. Kẻ nào ô uế sẽ không được đi qua; song nó sẽ dành cho những người được chuộc. Ai đi trong đường đó, dầu khờ dại cũng không lầm lạc. Trên đường đó không có sư tử, không có một thú dữ nào lên; chẳng ai gặp nó ở đó. Song những kẻ được chuộc sẽ bước đi đường ấy, những kẻ Đức Giê-hô-va đã chuộc sẽ về, ca hát mà đến Si-ôn; sự vui vẻ vô cùng sẽ ở trên đầu họ. Họ sẽ được sự vui vẻ mừng rỡ, mà sự buồn bực than vãn sẽ trốn đi. ” – Ê-sai 35
Mà ở đây có một chi tiết thú vị. Ê-sau (dân tộc Ê-đôm) là anh của Gia-cốp (dân tộc Israel). Người anh bị mất quyền trưởng nam nên đã cản trở hành trình của người em đi lấy sản nghiệp. Sự hận thù của người anh dành cho người em là dai dẳng truyền kiếp, liên tục tiếp tay cho kẻ thù quấy phá người em. Đến khi dòng dõi người anh bị tận diệt mới hình thành nên một con đường cái. Về mặt thuộc linh, Chúa Jesus là con đường để chúng ta đi vào thành thánh Jerusalem trên trời.
Và đây lại là con đường đi lên từ Ai-cập, ứng nghiệm:
“Thây hai người sẽ còn lại trên ĐƯỜNG CÁI của thành lớn, GỌI BÓNG là Sô-đôm và Ê-DÍP-TÔ, tức là nơi mà Chúa hai người cũng đã bị đóng đinh trên mộc hình.” – Khải huyền 11 (Chi tiết này không tiện nói sâu thêm trong bài viết này).
Và khi nhắc đến hướng đi vào xứ hứa thì nên hiểu một điều. Đáng lý ra dân Israel vào chiếm xứ hứa từ hướng nam (thay vì hướng đông) ngay từ ban đầu. Mà khi nhắc đến hướng nam, có lẽ ở đây, không phải ngẫu nhiên, có sự trùng hợp kỳ lạ:
“Tôi nhìn xem, thấy một con ngựa vàng vàng hiện ra. Người cưỡi ngựa ấy tên là Sự chết, và Âm phủ theo sau người.” (Khải huyền 6:8)
“Còn những ngựa vá kéo ra đến xứ PHƯƠNG NAM.” (Xa-cha-ri 6:6)
Tóm lại, về mặt thuộc linh, chúng ta cần hiểu rõ bản chất tội lỗi của Ê-đôm. Vì đâu mà từ tổ phụ Ê-sau được quyền trưởng nam ban đầu lại đi đến kết cục bị tận diệt và hứng chịu sự rủa sả kinh khiếp từ Đức Giê-hô-va (đến nỗi các cơ binh từ trời sa xuống). Và điều này chính là điều Đức Giê-hô-va kêu gọi sự chú ý từ khắp nơi để mỗi người nhìn vào đó mà lấy làm bài học cho mình.
Mô thức trừng phạt này sẽ được lặp lại trong Khải huyền.