Hành trình Rê-bê-ca trở nên vợ Y-sác (Phần 2)

.

.

Nếu như bài viết Phần 1 đã mô tả những phẩm chất xứng đáng của một nàng dâu (Hội thánh) qua toàn bộ nét tính cách và hành vi của Rê-bê-ca (người được chọn), thì Phần 2 sẽ nói lên các hành động tiếp theo của người được chọn sau khi đã có lời hứa gả.

.

Sự nhất quyết đi về nhà chồng của Rê-bê-ca

“Anh và mẹ nàng (Rê-bê-ca) nói rằng: Hãy cho người gái trẻ ở lại cùng chúng tôi ít ngày nữa, độ chừng mười bữa, rồi nó sẽ đi. Đầy tớ đáp rằng: Xin chớ cầm tôi trễ lại, vì Đức Giê-hô-va có làm việc đi đường tôi được thành. Hãy cho tôi đi, trở về nhà chủ tôi. Họ đáp rằng: Chúng ta hãy gọi người gái trẻ đó và hỏi ý nó ra sao; bèn kêu Rê-bê-ca và nói rằng: Con muốn đi cùng người nầy chăng? Nàng rằng: Tôi muốn đi. Sáng-thế Ký 24:55-58

Nàng Rê-bê-ca đã có một quyết định dứt khoát để ra đi sau khi mẹ và anh của mình muốn nàng ở lại nhà thêm mười bữa.

Theo thói thường, các nàng dâu hay quyến luyến gia đình, nhất là nơi đó có mẹ ruột của mình, khi chuẩn bị bước sang nhà chồng. Nhưng Rê-bê-ca có một sự lựa chọn khác biệt khi tỏ ra ý muốn ra đi rõ ràng. Đó là quyết định dọn đường cho sự thay đổi, một cuộc sống mới ở nơi được Đức Giê-hô-va chọn làm vùng đất định cư cho dòng dõi Áp-ra-ham.

Và nếu bạn ngày nay là một người được chọn cho Chúa Jesus — chồng của Hội thánh — thì hãy nên như Rê-bê-ca, bày tỏ rõ ràng một quyết tâm thay đổi thay vì nuối tiếc một đời sống cũ với những con người cũ. Một nàng dâu được chọn thật sự phải là người có sự dứt khoát trong quyết định. Sự thoát ra khỏi Babylon (Khải-huyền 18:4) phải là một quyết định mạnh mẽ và dứt điểm chứ không thể nán lại thêm một ngày nào nữa.

Sự quyết tâm ra đi này là điều cần thiết đối với người mới tin nhận Đức Chúa Trời lần đầu, cũng như những người đã bị các giáo lý trinity làm lệch lạc nhận thức về Đức Giê-hô-va, đi kèm các hệ tư tưởng gắn mác “ân điển” để phá bỏ luật pháp, thay đổi điều răn (chống nghịch lời Chúa Jesus tuyên bố khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được) vốn xuất phát từ các hệ thống giáo hội, nhà thờ lâu năm.

Ra đi cũng tức là từ bỏ.

Rê-bê-ca đã từ bỏ đời sống cũ, gia đình cũ, vùng đất cũ, ngôi nhà cũ để được nhận lãnh gấp trăm lần hơn (được định cư trong vùng đất được chọn của Đức Giê-hô-va) và được dự phần trong dòng dõi sanh ra Chúa Jesus. 

“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chẳng một người nào vì ta và Tin lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau.” – Mác 10:29,30

.

Bạn có dám ra đi chỉ bởi tai nghe mà mắt chưa thấy?

Đây đúng là hoàn cảnh của Rê-bê-ca. Khi nàng chỉ nghe về một nơi ở mới, có chồng của nàng ở đó. Đây cũng là điều khác với lẽ thông thường vì thời nay không ai dám cưới một người mình chưa bao giờ gặp.

Chưa kể Rê-bê-ca phải di chuyển một quãng đường khá xa, từ Cha-ran đến Ca-na-an. Đây không phải là chuyện cưới một người trong xóm, hay trong một thành phố, nhưng là ở một nơi cực kỳ xa xôi, chưa bao giờ đặt chân đến. Nhưng chỉ cần biết đó là một nơi tốt hơn nơi mình đang ở, và là nơi được Đức Giê-hô-va chọn, là đủ để tạo động lực cho một hành trình dài.

Đó cũng là hoàn cảnh của những ai được nghe về Chúa Jesus, nhưng chưa thấy trực tiếp bằng mắt bao giờ. Rê-bê-ca biết về Y-sác như Hội thánh ngày nay biết về Chúa Jesus — qua những thông tin chân thật được truyền lại và từ đó xây nên đức tin về một người chồng sắp cưới.

Bởi vì đây là điều khác với lẽ thông thường nên rất ít người có được đức tin như vậy. Thực tế là người được chọn luôn là số ít. Và một khi đã có đức tin thì cần kèm theo quyết định ra đi dứt khoát để thay đổi cuộc sống.

Nếu phải nói đến điều gì thuộc về mắt thấy thì quả thật Rê-bê-ca chỉ có thể nhận biết bằng mắt qua người đầy tớ trung tín (bằng xương bằng thịt) của Áp-ra-ham. Hay nói cách khác, tất cả những gì Rê-bê-ca thấy đó là người đầy tớ đại diện cho Áp-ra-ham. Chính vì thế, sự trung tín của người đầy tớ mới là trung tâm của câu chuyện.

.

Vai trò của người đầy tớ

Bạn có để ý sự nghi vấn đầu tiên của người đầy tớ trong đoạn này:

“Người đầy tớ thưa rằng: Có lẽ người con gái không khứng theo tôi về xứ nầy; vậy, có phải tôi dẫn con trai ông đến xứ mà ông đã ra đi khỏi chăng?” – Sáng-thế Ký 24:5

Rõ ràng bên trong người đầy tớ có sự lo lắng không thể thực hiện nổi lời hứa tìm vợ cho Y-sác. Điều gì xảy ra nếu người nữ ở nơi ông sắp đến không đồng ý đi theo ông về nhà Áp-ra-ham? Có phải nhiệm vụ sẽ thất bại?

Biết vậy nên ông mới đề xuất dẫn Y-sác theo để người nữ nào mà ông gặp sẽ có thể thấy Y-sác trực tiếp, và từ đó dễ thuyết phục hơn là nói về một người chồng chưa gặp bao giờ.

Thế nhưng Áp-ra-ham không đồng ý để cho Y-sác quay về nơi chốn cũ. Rõ ràng nơi ở của Y-sác phải là ở bên cạnh Áp-ra-ham.

Tuy nhiên, Áp-ra-ham cũng để một hướng mở cho người đầy tớ:

“Nếu người con gái không khứng theo, thì ngươi sẽ khỏi mắc lời của ta biểu ngươi thề; mà dẫu thế nào đi nữa, chớ đem con ta về chốn đó.” – Sáng-thế Ký 24:8

Vậy là Áp-ra-ham đã trút bỏ được gánh nặng cho người đầy tớ.

Đó cũng là bài học của những ai được kêu gọi đi làm chứng về Chúa Jesus. Rõ ràng chúng ta không cần phải “dẫn” Chúa Jesus đi theo cùng. Bởi vì nơi ở của Chúa Jesus là đang ở bên hữu Cha, không phải là nơi trần thế này. Và nhiệm vụ của những người đầy tớ, có quyền quản trị các gia tài, đó là chỉ cần trung tín làm theo nhiệm vụ chủ giao.

Ít ai để ý người đầy tớ của Áp-ra-ham vốn là một người ngoại tộc, không thuộc họ hàng của Áp-ra-ham, được chọn để quan trị các gia tài. Như chúng ta ngày nay là dân ngoại tháp vào để quản trị gia tài mà Chúa Jesus giao cho.

Và khi đã tìm ra được nàng dâu/người được chọn cho Y-sác/Chúa Jesus rồi thì phải nhanh chóng dẫn người đó bước vào cuộc sống mới trên hành trình về với người chồng sắp cưới.

Nếu ở phần đầu bài viết đã nói về sự dứt khoát ra đi của Rê-bê-ca thì đến đây cũng phải nhắc đến việc người đầy tớ trung tín và nhanh chóng hối thúc nàng dâu đi về nhà chồng. Nghĩa là sự hối hả, giục lòng ra đi mạnh mẽ phải đến từ hai phía.

Và đây là người quản gia mà Áp-ra-ham lập nên không chỉ để chăm sóc gia tài vật chất mà thôi, nhưng để thực thi sứ mệnh đối với cả gia tộc, dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là coi cả NGƯỜI NHÀ Áp-ra-ham.

“hãy chực cho sẵn sàng, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ. Phi-e-rơ bèn thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, thí dụ nầy Chúa phán cho chúng tôi, hay là cũng cho mọi người? Chúa đáp rằng: Ai là người quản gia ngay thật khôn ngoan, chủ nhà đặt coi cả NGƯỜI NHÀ mình, để đến dịp tiện, phát lương phạn cho họ? Phước cho đầy tớ ấy khi chủ nhà về, thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ cho nó quản lý cả gia tài mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy tự nghĩ rằng: Chủ ta chậm đến; rồi cứ đánh đập đầy tớ trai và gái, ăn uống say sưa, thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không dè, và giờ nó không biết; lấy roi đánh xé da nó, và để cho nó đồng số phận với kẻ bất trung. Đầy tớ nầy đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều. Song đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.” – Lu-ca 12:40-48

.

Ý nghĩa về các lễ vật được trao cho Rê-bê-ca

Người (đầy tớ) lấy đồ trang sức bằng bạc, vàng, và áo xống trao cho Rê-bê-ca.” – Sáng-thế Ký 24:53

Sau khi trở thành người được chọn làm vợ của Y-sác, người đầy tớ trao cho Rê-bê-ca một cái áo xống. Đây chính là hình ảnh nàng dâu (Hội thánh) được mặc áo mới sau khi được chọn thuộc về Chúa Jesus:

“Vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn, đã cho người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn (vải gai mịn tức là công việc công bình của các thánh đồ).” – Khải-huyền 19:7,8

Trang sức của người được chọn ngày nay còn quý gấp trăm lần hơn bạc, vàng vật chất ngày xưa, bởi vì trang sức ngày nay chính là vàng đã thử lửa, áo công bình, và sự mở mắt thuộc linh do Chúa Jesus trao cho — vừa giúp thay đổi cuộc sống ngay trong hiện tại, vừa đảm bảo cho sự sống bình an vững bền đời đời sau này.

Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có; mua những áo trắng, hầu cho ngươi được mặc vào và điều xấu hổ về sự trần truồng ngươi khỏi lộ ra; lại mua thuốc xức mắt đặng thoa mắt ngươi, hầu cho ngươi thấy được. – Khải-huyền 3:18

“Hỡi anh em rất yêu dấu, hãy nghe nầy: Đức Chúa Trời há chẳng lựa kẻ nghèo theo đời nầy đặng làm cho trở nên giàu trong đức tin, và kế tự nước Ngài đã hứa cho kẻ kính mến Ngài hay sao?” – Gia-cơ 2:5

.

Rê-bê-ca được hưởng phước của Áp-ra-ham

Quyết định muốn ra đi để đến nhà chồng của Rê-bê-ca đã giúp nàng không chỉ được cưới Y-sác, mà còn hưởng được gia tài thừa kế của Áp-ra-ham thông qua chồng của mình, đồng thời được nhận lãnh sứ mệnh duy trì dòng dõi sanh ra Chúa Jesus. Đó là phần thưởng trọn vẹn cho đức tin của Rê-bê-ca — người được chọn.

Tương tự ngày nay, phước của Áp-ra-ham chỉ đến với những ai được Chúa Jesus gọi là con của Áp-ra-ham.

Mà để trở thành con của Áp-ra-ham thì phải:

Đức Chúa Jêsus phán rằng: Nếu các ngươi là con Áp-ra-ham, thì chắc sẽ làm công việc của Áp-ra-ham. – Giăng 8:39

Mà công việc của Áp-ra-ham là công việc gì? Chính Chúa Jesus đã bày tỏ:

“Cha các ngươi là Áp-ra-ham đã nức lòng nhìn thấy ngày của ta; người đã thấy rồi, và mừng rỡ. – Giăng 8:56

Công việc đó nghĩa là yêu Chúa Jesus, và tin rằng Chúa Jesus từ Cha (Giê-hô-va) mà đến:

Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ví bằng Đức Chúa Trời là Cha các ngươi thì các ngươi sẽ yêu ta, vì ta bởi Đức Chúa Trời mà ra và từ Ngài mà đến; bởi chưng ta chẳng phải đã đến tự mình đâu, nhưng ấy chính Ngài đã sai ta đến.– Giăng 8:42

Cũng như Rê-bê-ca được kế tự gia tài từ Áp-ra-ham do làm con dâu; tức là đồng kế tự với chồng (Y-sác). Đó là hình ảnh của những người được chọn ngày nay:

Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: Kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ.” Rô-ma 8:17

(Đọc thêm về lẽ thật của sự kế tự theo lời hứa, qua các câu Kinh thánh: Ga-la-ti 3:29, Ê-phê-sô 3:6, Tít 3:7, Hê-bơ-rơ 11:7.)

  • Lưu ý: Hệ tư tưởng trinity (Thiên Chúa Ba Ngôi), một nỗ lực nhằm đạt đến sự thống nhất trong Giáo hội Kitô giáo của Hoàng đế La Mã, kể từ năm 325, đã làm mất đi ý nghĩa của sự kế tự trong các đoạn Kinh thánh trên, cũng như xây nên hệ nhận thức về một Chúa Jesus mang trong mình hai bản thể hợp nhất, đồng quyền (Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con) — Điều này trái với mặc khải chân thật trong Lời Đức Chúa Trời.

.

Ý nghĩa sâu nhiệm về Giê-ru-sa-lem mới

Câu chuyện Rê-bê-ca làm vợ Y-sác còn có một hình ảnh liên tưởng khác đầy thú vị.

Nếu như Y-sác trong câu chuyện Sáng-thế Ký 24 là hình bóng của Chúa Jesus, thì Áp-ra-ham (cha của Y-sác) cũng có thể liên tưởng đến Đức Chúa Trời (Cha của Chúa Jesus).

Và Áp-ra-ham cùng với Sa-ra sanh ra Y-sác, cũng giống như Giê-ru-sa-lem (Israel) trên đất ngày xưa (có chồng là Đức Giê-hô-va) đã sanh ra Chúa Jesus.

Theo lời tiên tri Mi-chê:

Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng. Vậy nên Ngài sẽ phó chúng nó cho đến lúc người đàn bà phải sanh đẻ đã sanh đẻ, và kẻ sót lại của anh em Ngài sẽ trở về với con cái Y-sơ-ra-ên. – Mi-chê 5

Theo lời tiên tri Ê-sai:

Hỡi kẻ son sẻ, không sanh đẻ kia, hãy ca hát. Hỡi ngươi là kẻ chưa biết sự đau đớn sanh nở, hãy hát xướng reo mừng, vì con cái của vợ bị bỏ sẽ đông hơn con cái của đàn bà có chồng, Đức Giê-hô-va phán vậy. Hãy mở rộng nơi trại ngươi, giương màn chỗ ngươi ở. Chớ để chật hẹp; hãy giăng dây cho dài, đóng cọc cho chắc! Vì ngươi sẽ lan rộng ra bên hữu và bên tả; dòng dõi ngươi sẽ được các nước làm cơ nghiệp, và sẽ làm cho các thành hoang vu đông dân cư. 
 Đừng sợ chi; vì ngươi sẽ chẳng bị hổ thẹn. Chớ mắc cỡ; vì ngươi chẳng còn xấu hổ nữa. Ngươi sẽ quên điều sỉ nhục lúc còn thơ ấu, và đừng nhớ lại sự nhơ nhuốc trong khi mình đương góa bụa.
 Vì chồng ngươi tức là Đấng đã tạo thành ngươi; danh Ngài là Đức Giê-hô-va vạn quân. Đấng chuộc ngươi tức là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, sẽ được xưng là Đức Chúa Trời của cả đất. Đức Giê-hô-va đã gọi ngươi, như gọi vợ đã bị bỏ và phiền rầu trong lòng, như vợ cưới lúc còn trẻ và đã bị để, Đức Chúa Trời ngươi phán vậy. – Ê-sai 54

Mở rộng thêm ý nghĩa về mặt luật pháp từ thời Sáng-thế:

Hãy nói cho tôi, anh em là kẻ ưa phục dưới luật pháp, há không nghe luật pháp sao? Vì có chép rằng Áp-ra-ham có hai con trai: Một là con của người nữ tôi mọi, một là con của người nữ tự chủ. Nhưng con của người nữ tôi mọi sanh ra theo xác thịt, con của người nữ tự chủ sanh ra theo lời hứa. Cả điều đó có một nghĩa bóng: Hai người nữ đó tức là hai lời giao ước, một là lời giao ước tại núi Si-na-i, sanh con ra để làm tôi mọi, ấy là nàng A-ga. Vả, A-ga, ấy là núi Si-na-i, trong xứ A-ra-bi; khác nào như thành Giê-ru-sa-lem bây giờ, thành đó với con cái mình đều làm tôi mọiNhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta. Vì có lời chép: 
 Hỡi đàn bà son, ngươi là kẻ chẳng sanh nở chi hết, hãy vui mừng; 
 Ngươi là kẻ chẳng từng chịu đau đớn sanh đẻ, hãy nức lòng mừng rỡ và bựt tiếng reo cười, 
 Vì con cái của vợ bị để sẽ đông hơn con cái của người nữ có chồng.
Hỡi anh em, về phần chúng ta, chúng ta cũng như Y-sác, là con của lời hứa.

 Ấy vậy, hỡi anh em, chúng ta chẳng phải là con cái của người nữ tôi mọi, bèn là con cái của người nữ tự chủ. – Ga-la-ti 4:21-31

Đoạn trên cho thấy luật pháp từ khi Sáng-thế đã minh chứng những ai sanh bởi Chúa Jesus (Y-sác) đều là con của người nữ tự chủ, tức là Giê-ru-sa-lem trên cao!

Hơn nữa, đến khi Y-sác cưới vợ cũng là thời điểm Sa-ra đã qua đời.

Y-sác bèn dẫn Rê-bê-ca vào trại của Sa-ra, mẹ mình, cưới làm vợ, và yêu mến nàng. Vậy, Y-sác được giải phiền sau khi mẹ mình qua đời. – Sáng-thế Ký 24:67

Ở đây có sự thay thế vị trí. Rê-bê-ca thay thế Sa-ra ở trong trại.

Nghĩa là, hội thánh (vợ mới) của Chúa Jesus chính là Giê-ru-sa-lem mới sẽ thay thế Giê-ru-sa-lem cũ:

“Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình.” – Khải-huyền 21:2

Hỡi Giê-ru-sa-lem, là thành thánh, hãy mặc lấy áo đẹp! Vì rày về sau kẻ không chịu phép cắt bì và kẻ ô uế sẽ không vào nơi ngươi nữa. Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy chỗi dậy, giũ bụi bặm đi, và ngồi lên; hỡi con gái Si-ôn, là kẻ phu tù, hãy cởi trói nơi cổ ngươi.” Ê-sai 52:1,2

1 thought on “Hành trình Rê-bê-ca trở nên vợ Y-sác (Phần 2)”

  1. Pingback: Hành trình Rê-bê-ca trở nên vợ Y-sác (ý nghĩa chuyên sâu về lời chúc phước cho Rê-bê-ca)

Comments are closed.

Scroll to Top