Luật về ngày Sa-bát nên giữ như thế nào?

Nếu có dịp đọc lại sách Ma-thi-ơ, bạn sẽ quan sát thấy một điều: Ngay sau khi Chúa Jesus khởi đầu chức vụ của một Đấng Mê-si, một trong những ý quan trọng đầu tiên mà Chúa giảng là về luật pháp (Ma-thi-ơ 5:17).

Hầu hết các điều khoản luật pháp được ghi trên bảng đá (10 điều răn của Đức Giê-hô-va) không hề bị bãi bỏ, mà ngược lại, Chúa Jesus nâng tất cả lên một chuẩn mực cao hơn. Điển hình như:

“Ngươi chớ giết người. Ngươi chớ phạm tội tà dâm.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13,14)

Đối chiếu với lời của Chúa Jesus:

“Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đoán. Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán; ai mắng anh em mình rằng: Ra-ca, thì đáng bị tòa công luận xử đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa địa ngục hành phạt.

Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi. Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục.” (Ma-thi-ơ 5:21-29)

Tức là khắc sâu vào tâm trí, đến nỗi tư tưởng chỉ cần nghĩ đến việc phạm tội thì đã có sự kết án rồi, mặc dù chưa có hành vi phạm tội cụ thể.

Vì vậy, luật pháp trong thời Chúa Jesus là một phiên bản được nâng cấp, được trình bày trọn vẹn hơn. Hay nói cách khác là đi sâu vào bản chất và thấu trong lòng người nghe. Điều đó đòi hỏi chúng ta tôn trọng luật pháp từ trong tấm lòng.

Ngoài ra, vì chức tế lễ đã thay đổi cho nên sẽ có những điều luật được thay đổi, và nâng cấp hoàn toàn. Điển hình như các điều luật về sự thờ phượng và dâng tế lễ như thời đền tạm là không còn nữa. Nay đều ứng nghiệm trong Chúa Jesus (Hê-bơ-rơ 7).

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta từ bỏ sự thờ phượng và dâng tế lễ. Mà là chúng ta thờ phượng và dâng tế lễ với tinh thần mới trong Đấng Christ, bằng lời ca, sự tạ ơn và lối sống.

Nghĩa là luật pháp thì vẫn luôn hiệu nghiệm, nhưng nay đã là phiên bản được nâng cấp trọn vẹn hơn.

Nói dông dài mở đầu như vậy để nói đến cách chúng ta nên hiểu về luật Sa-bát ngày nay.

Thật vậy, luật về ngày Sa-bát cũng không ngoại lệ trong sự nâng cấp đó. Nó cũng được thay đổi trong cách hiểu và cách giữ luật, bởi vì Chúa Jesus không giữ luật Sa-bát theo cách hiểu của văn tự cũ, đến nỗi người Pha-ri-si phải nói:

“Có mấy kẻ trong những người Pha-ri-si bèn nói rằng: Người nầy không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát. Nhưng kẻ khác rằng: Một kẻ có tội làm phép lạ như vậy thể nào được? Rồi họ bèn chia phe ra.” (Giăng 9:16)

Có phải thật sự Chúa Jesus không giữ luật Sa-bát hay không?

Dĩ nhiên không phải vậy. Chúa Jesus đến từ Cha thì sẽ hiểu và tôn trọng luật của Cha trên hết. Sự khác biệt ở đây là Chúa Jesus không giữ luật Sa-bát theo cách hiểu cũ của văn tự nữa. Vì luật Sa-bát thời cựu ước chỉ là cái bóng của sự an nghỉ thật trong Chúa Jesus (Cô-lô-se 2:17).

Cho nên Chúa Jesus vẫn giữ luật Sa-bát vì Ngài chính là Chúa của Sa-bát và hiểu rõ tinh thần mới (hay còn gọi là phiên bản nâng cấp) của luật Sa-bát.

Cho nên câu hỏi đặt ra ngày nay không phải là có nên tiếp tục giữ luật pháp nữa hay không, vì đó là câu hỏi sai hoàn toàn. Luật pháp là buộc phải giữ vì đó là tiêu chuẩn nền tảng (Ma-thi-ơ 7:24-27). Mà câu hỏi đặt ra nên là: “Sau khi đã được cứu bởi ân điển, chúng ta phải làm theo luật pháp như thế nào để đúng tinh thần dạy dỗ của Chúa Jesus (chứ không phải theo lối cũ của văn tự nữa)?”

Và câu hỏi cụ thể trong bài này là:

.

Luật về ngày Sa-bát nên giữ như thế nào?

Sự thật thì không riêng gì điều răn thứ tư mà tất cả lề luật đã không còn được giữ theo cách cũ (luật văn tự) nữa, mà được giữ theo cách mới dựa trên tinh thần dạy dỗ của Chúa Jesus. Cách giữ theo văn tự rõ ràng là nghi thức, là bóng của điều sẽ đến sau này. Nếu không thì Phao-lô đã chẳng nhắc nhở các anh chị em thành Cô-lô-se về việc giữ ngày:

“16 Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, 17 ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.”

Cô-lô-se 2

Ngày lễ và ngày Sa-bát trong câu này không hề loại trừ ngày nào cả, kể cả Sa-bát tuần!

Một căn cứ vững chắc nữa để cho biết đó là luật nghi thức: ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.

Vì quá sa đà vào việc giữ câu chữ nên nhiều người đã không thể hiểu nổi điều này:

“28 Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”

Ma-thi-ơ 11

Khi tin và tiếp nhận Đấng Christ, chúng ta được yên nghỉ thực sự trong Ngài: Về phần chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên nghỉ (Hê-bơ-rơ 4:3). Đó mới là sự yên nghỉ thực sự trong Đấng Christ, hình thức giữ ngày trong luật văn tự Cựu Ước chỉ là cái bóng nghi thức chỉ việc sẽ đến mà thôi.

“1 Vậy, đang khi còn có lời hứa cho vào sự yên nghỉ Chúa, hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng. 2 Vì tin lành nầy đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ; những lời họ đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin nhận lời đó thuộc về mình. 3 Về phần chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên nghỉ, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Nầy là lời thề ta đã lập trong cơn thạnh nộ: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ ta!… Dầu vậy, công việc của Ngài đã xong rồi từ buổi sáng thế. 4 Vì luận về ngày thứ bảy, có chép rằng: Ngày thứ bảy Đức Chúa Trời nghỉ cả các công việc Ngài.

5 Lại một chỗ khác có chép rằng: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ ta.

6 Như vậy, vì đã dành cho mấy người phải vào đó, và vì những kẻ nghe tin lành ấy trước nhứt đã không vào đó bởi chẳng tin, 7 nên về sau lâu lắm, trong một thơ của Đa-vít, Chúa lại định một ngày nữa gọi là “Ngày nay,” như trên kia đã dẫn rằng: Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, Thì chớ cứng lòng.

8 Vả, nếu Giô-suê đã cho họ yên nghỉ, thì chắc sau không còn nói về một ngày khác nữa. 9 Vậy thì còn lại một ngày yên nghỉ cho dân Đức Chúa Trời. 10 Vì ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy. 11 Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin kia mà vấp ngã.”

Hê-bơ-rơ 4

→ Tại sao lại phải định một ngày nữa gọi là “ngày nay” (trong tiếng Anh là “Today”)? Lưu ý câu 8-9.

.

Tại sao phải có một ngày an nghỉ nữa gọi là “Ngày nay” (Today)?

Sự an nghỉ trong Đấng Christ có nghĩa là được sống tự do, bình an, vui thỏa trong Ngài ngay trong đời này trước mọi thử thách, cám dỗ, áp lực (Phi-líp 4:7). Sự an nghỉ này đã được dự báo trước trong Kinh thánh:

16 Đức Giê-hô-va phán như vầy: Hãy đứng trên các đường cái và nhìn xem; tra xét những đường lối cũ, xem thử đường tốt ở đâu: Hãy đi đường ấy, thì các ngươi sẽ được sự an nghỉ cho linh hồn mình. Nhưng chúng nó đáp rằng: Chúng tôi không khứng đi đường ấy.

Giê-rê-mi 6

Khi Đấng Christ đã đến, dân Israel không biết rằng Ngài là đường đi, lẽ thật và sự sống (Giăng 14:6). Vì không tin Chúa Jesus nên họ không thể có được sự an nghỉ thật ở trong Ngài, họ vẫn tiếp tục giữ hình bóng về sự an nghỉ thật theo luật định của điều răn thứ tư. Khi Đấng Christ chưa đến, con người vẫn giữ luật định về ngày Thứ Bảy – hình bóng tượng trưng cho sự an nghỉ đích thực trong Đấng Christ; nhưng khi Ngài đã đến, nếu con người biết đón nhận sự an nghỉ thật trong Ngài rồi thì cái hình bóng tượng trưng kia chẳng còn ý nghĩa gì nữa:

16 Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, 17 ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.

Cô-lô-se 2

(ngày Sa-bát trong câu này bao gồm các ngày Sa-bát trong tuần và các ngày Sa-bát khác trong năm theo luật Cựu Ước)

Vì Đấng Sáng Tạo có quyền đặt tên cho mọi sự vật, hiện tượng theo ý Ngài muốn. Vì vậy, chúng ta có tên gọi “ban đêm” và “ban ngày”. Từ “ngày” có thể chỉ về khoảng thời gian 24 giờ gồm có “ban đêm” và “ban ngày” nhưng cũng có khi ám chỉ về một khoảng thời gian dài hơn mà trong đó Đức Chúa Trời thực hiện một mục đích đặc biệt nào đó, chẳng hạn như “ngày của Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 2:12) hay “ngày phán xét” (Ma-thi-ơ 10:15) hoặc “ngày nay” (Sáng 22:14; Hê-bơ-rơ 3:13; 4:7).

Một điều rất đặc biệt mà ít người để ý đến: tại sao ngày thứ bảy an nghỉ trong Sáng 2:2-3 không được kể là có “ban ngày và ban đêm” như sáu ngày đầu? 

Phải chăng ngày Sa-bát đó chính là ngày an nghỉ không bị giới hạn trong khung thời gian 24 giờ của ban ngày và ban đêm? 

Phao-lô đã cho chúng ta câu trả lời khá rõ ràng: Về phần chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên nghỉ (Hê-bơ-rơ 4:3). Như vậy, ngày Sa-bát 24 giờ theo luật văn tự chỉ là hình bóng tượng trưng cho “ngày nay” – ngày Sa-bát bất tận trong Chúa Jesus:

“3 Về phần chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên nghỉ, …

7 nên về sau lâu lắm, trong một thơ của Đa-vít, Chúa lại định một ngày nữa gọi là “Ngày nay,” như trên kia đã dẫn rằng: Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, Thì chớ cứng lòng.

8 Vả, nếu Giô-suê đã cho họ yên nghỉ, thì chắc sau không còn nói về một ngày khác nữa. 9 Vậy thì còn lại một ngày yên nghỉ cho dân Đức Chúa Trời. 10 Vì ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy.”

Hê-bơ-rơ 4

Sự nghỉ công việc mình ở câu 10 không có nghĩa là không được làm gì hết vì ai mà chẳng phải sinh hoạt hằng ngày. Thậm chí, khi Chúa Jesus còn ở trần gian, ngay trong ngày thứ bảy, Ngài vẫn chữa bệnh, cứu người, giảng đạo. Ngài còn cho biết Cha và Chúa Jesus vẫn còn làm việc cho đến ngày nay (Giăng 5:17) thì chẳng có lý do gì chúng ta phải ngưng tất cả mọi việc trong ngày thứ bảy cả.

Sự nghỉ công việc mình ở đây nên được hiểu ở một chiều sâu xa hơn. Kể từ khi được an nghỉ trong Chúa Jesus, tức đã trở thành người của Chúa rồi, chúng ta nghỉ công việc mình để làm công việc Chúa, tức trao gánh nặng công việc mình cho Chúa và gánh lấy công việc mà Ngài giao phó:

“28 Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. 29 Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. 30 Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”

Ma-thi-ơ 11

Kể từ đó trở đi, chúng ta không còn làm bất kỳ việc gì cho riêng mình nữa (tức không hành động theo ý riêng của mình) mà chúng ta làm bất kỳ điều gì cũng là vì Chúa:

“31 Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.”

I Cô-rinh-tô 10

Như vậy, nếu xét theo hình thức bề ngoài thì người thuộc về Chúa Jesus vẫn làm công việc mình như bao người khác nhưng nếu xét trên tinh thần thì người thuộc về Chúa không làm việc gì cho riêng mình mà làm mọi việc vì Chúa. Người của Chúa dĩ nhiên vẫn sống như bao người khác nhưng không sống cho riêng mình mà sống cho Chúa:

“7 Vả, chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; 8 vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả. 9 Đấng Christ đã chết và sống lại, ấy là để làm Chúa kẻ chết và kẻ sống.”

Rô-ma 14

“14 Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết, 15 lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình.”

II Cô-rinh-tô 5

Ở một góc nhìn sâu xa hơn, ngày Sa-bát có nghĩa là ngày thánh:

“8 Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.”

Xuất 20

Mà nếu con người đã được an nghỉ trong Chúa rồi thì ngày nào cũng phải là ngày thánh cả. Nếu ngày Sa-bát chỉ đơn thuần là thứ bảy thôi thì chẳng lẽ các ngày khác không phải là ngày thánh hay sao?

Tóm lại, chúng ta vẫn phải giữ trọn điều răn thứ tư cho đến đời đời, nhưng trong thời đại Tân Ước này chúng ta không bị ràng buộc phải giữ theo nghĩa đen câu chữ khắc trên bảng đá mà phải giữ theo ý nghĩa đích thực của nó: an nghỉ trọn vẹn trong Đấng Christ. Khi đã thực sự ở trong Đấng Christ, chúng ta đang ở trong ngày Sa-bát đích thực, chúng ta được quyền làm chủ mọi sự theo thánh ý chứ không còn bị ràng buộc bởi luật văn tự, và đương nhiên không còn bị giới hạn bởi luật cấm lao động trong buổi chiều và buổi mai của ngày thứ bảy nữa. Ngày Sa-bát thứ bảy trong giao ước văn tự chẳng qua là hình bóng chỉ về ngày Sa-bát đích thực bất tận trong Đấng Christ.

Vì luật pháp của giao ước mới được ghi trong bảng lòng chứ không phải trên bảng đá (Hê-bơ-rơ 8:10; 10:16; II Cô-rinh-tô 3:3) nên hòm giao ước được mở ra trên trời trong ngày phán xét (Khải 11:19) là căn cứ để xử phạt những kẻ không theo giao ước mới.

Mặc dù vậy, thái độ của chúng ta đối với những ai còn quan tâm giữ và biệt riêng ngày thứ bảy, xem ngày đó là trọng hơn những ngày khác, là phải tuyệt đối tôn trọng sự lựa chọn của họ. Vì suy cho cùng họ làm điều này cũng chẳng phải vi phạm giao ước. Động cơ và tấm lòng đều xuất phát từ sự yêu mến luật pháp. Cho nên Phao-lô có khuyên:

Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình. 6 Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa; kẻ ăn là ăn vì Chúa, vì họ tạ ơn Đức Chúa Trời; kẻ chẳng ăn cũng chẳng ăn vì Chúa, họ cũng tạ ơn Đức Chúa Trời.

Rô-ma 14

.

Làm thế nào bước vào sự an nghỉ của Chúa Jesus?

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao hai chữ “công việc” luôn mang tới một áp lực về tinh thần lẫn thể xác. Bạn căng thẳng vào mỗi buổi sáng dậy đi làm, chưa kể gặp nhiều vấn đề với đồng nghiệp, khách hàng, chỉ tiêu của công ty. Đó là bởi vì loài người đã đánh mất sự tốt lành và phước hạnh của cái gọi là “công việc”.

Loài người đã từng trải qua một thời kỳ làm việc trong sự an nghỉ trọn vẹn nhất – đó là thời kỳ của Adam và Eva trước khi phạm tội.

Tại sao gọi là “làm việc trong sự an nghỉ”?

Bởi vì sau khi phạm tội thì đất vì cớ Adam mà bị rủa sả. Từ đó loài người làm việc khó nhọc để kiếm ăn, chứ thật ra trước đó công việc mà Cha giao cho Adam rất phước hạnh. Bởi vì mọi sự từ ban đầu được tạo dựng là tốt lành, tất cả muôn loài đều được Đức Chúa Trời ban phước cho sinh sôi nảy nở, và Adam chỉ việc quản trị và giữ vườn. Nói tóm lại công việc diễn ra trong sự bình an, vui vẻ. Con người thực hiện đúng mục đích của Đức Chúa Trời trong công việc. Điều đó mang lại ý nghĩa, niềm vui, và sự hưởng công lao mình thật dư dật trong tay Chúa.

Nếu Adam đã đánh mất điều đó vậy thì còn cơ hội nào cho chúng ta bước vào sự an nghỉ ngay trong đời này, giữa lúc còn phải lo toan bao công việc bộn bề?

Sự thật là Chúa Jesus có ban cơ hội an nghỉ cho chúng ta ngay trong đời này, thậm chí ngay lúc này, nếu chúng ta chịu thực hành theo một số ý tưởng mà Chúa Jesus đã dạy.

Nhưng trước khi đề cập điều đó thì cần phải hiểu rộng ra về khoảng thời gian cựu ước. Đức Chúa Trời đã ban cho cơ hội an nghỉ qua những năm Sa-bát và qua sự ban phước diệu kỳ từ trên cao, khi mà Israel làm đúng theo luật pháp:

3 Nếu các ngươi tuân theo luật pháp ta, gìn giữ các điều răn ta và làm theo, 4 thì ta sẽ giáng mưa thuận thì, đất sẽ sanh hoa lợi, và cây ngoài đồng sẽ kết bông trái. 5 Mùa đập lúa sẽ lần đến mùa hái nho, mùa hái nho sẽ lần đến mùa gieo mạ; các ngươi sẽ ăn no, ở bình yên trong xứ mình6 Ta sẽ giáng sự bình tịnh trong nước, các ngươi ngủ không sợ ai dọa; ta sẽ diệt những loài thú dữ khỏi xứ, gươm giáo chẳng đưa qua xứ các ngươi. (Lê-vi Ký 26)

13 Vậy, nếu các ngươi chăm chỉ nghe các điều răn ta truyền cho các ngươi ngày nay, hết lòng hết ý kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và phục sự Ngài, 14 Thì ta sẽ cho mưa mùa thu và mưa mùa xuân xuống thuận thì tại trong xứ các ngươi; ngươi sẽ thâu góp ngũ cốc, rượu, và dầu của ngươi. 15 Ta cũng sẽ khiến đồng ruộng ngươi sanh cỏ cho súc vật ngươi; ngươi sẽ ăn và được no nê. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11

9 Nếu ngươi gìn giữ những điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và đi theo đường lối Ngài, thì Đức Giê-hô-va sẽ lập ngươi làm một dân thánh cho Ngài, y như Ngài đã thề cùng ngươi; 10 muôn dân của thế gian sẽ thấy rằng ngươi được gọi theo danh Đức Giê-hô-va, và chúng nó sẽ sợ ngươi. 11 Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ làm cho ngươi được của cải nhiều dư dật, khiến cho hoa quả của thân thể ngươi, sản vật của sinh súc, và bông trái của đất ruộng ngươi được sanh nhiều thêm trong xứ mà Đức Giê-hô-va đã thề cùng các tổ phụ ngươi để ban cho ngươi. 12 Đức Giê-hô-va sẽ vì ngươi mở trời ra, là kho báu của Ngài, đặng cho mưa phải thì giáng xuống đất, và ban phước cho mọi công việc của tay ngươi. Ngươi sẽ cho nhiều nước vay, còn ngươi không vay ai. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28) 

Chắc hẳn ngày nay không còn nhiều người tin vào sự ban cho của Đức Chúa Trời vì nghĩ rằng điều này chỉ diễn ra trong cựu ước, mặc dù Đức Giê-hô-va chưa bao giờ nói rằng sự ban thưởng của Ngài là chấm dứt cả. Tất cả vấn đề đều đến từ sự vi phạm của loài người nên họ không còn nhận được sự ban cho của Đức Giê-hô-va nữa.

Tuy nhiên, kể cả khi bạn không đồng ý rằng những lời hứa trên vẫn còn hiệu nghiệm cho ngày nay thì có một nguyên tắc không thể chối cải: Chỉ khi nào con người giữ gìn luật pháp thì Đức Giê-hô-va mới cho con người sự phước hạnh về kết quả trong công việc và cuộc sống. Từ đó con người làm việc trong sự an nghỉ chứ không phải khó nhọc luống công và đầy sự lo lắng.

Và luật pháp, hay còn gọi là Lời, ngày nay chính là Chúa Jesus.

Điều thú vị là nguyên tắc trên vẫn không đổi: Nếu bạn làm theo Lời (Chúa Jesus) thì bạn sẽ có sự an nghỉ trong công việc và cuộc sống.

Lưu rằng sự an nghỉ ở đây không phải là không làm gì hết. Thực chất con người vẫn luôn làm việc như bài viết này đã phân tích. Thậm chí rõ ràng là dân Israel vẫn luôn phải canh tác, trồng trọt, chăn nuôi để kiếm ăn. Nhưng sự an nghỉ chính là nhận được sự ban cho và chăm sóc của Đức Chúa Trời trong công việc, thay vì Ngài bỏ mặc chúng ta.

Và đây chính là bí quyết để bước vào sự an nghỉ:

22 Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng môn đồ rằng: Ấy vậy, ta nói cùng các ngươi, đừng vì sự sống mà lo đồ mình ăn, cũng đừng vì thân thể mà lo đồ mình mặc. 23 Sự sống trọng hơn đồ ăn, thân thể trọng hơn đồ mặc. 24 Hãy xem con quạ: Nó không gieo, không gặt, cũng không có hầm vựa kho tàng chi, mà Đức Chúa Trời còn nuôi nó; huống chi các ngươi quí hơn chim chóc là dường nào! 25 Có ai trong các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không? 26 Vậy nếu đến việc rất nhỏ các ngươi cũng không có thể được, sao các ngươi lo việc khác? 27 Hãy xem hoa huệ mọc lên thể nào: Nó chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; song ta phán cùng các ngươi, dầu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo như một hoa nào trong giống ấy. 28 Hỡi kẻ ít đức tin, nếu loài cỏ ngoài đồng là loài nay sống mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho mặc thể ấy, huống chi là các ngươi! 29 Vậy các ngươi đừng kiếm đồ ăn đồ uống, cũng đừng có lòng lo lắng30 Vì mọi sự đó, các dân ngoại ở thế gian vẫn thường tìm, và Cha các ngươi biết các ngươi cần dùng mọi sự đó rồi. 31 Nhưng thà các ngươi hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời, rồi mọi sự đó sẽ được cho thêm.  (Lu-ca 12)

31 Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? 32 Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. 33 Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. 34 Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy. (Ma-thi-ơ 6)

Tìm kiếm nước Trời chính là tìm kiếm hệ giá trị trên Trời – mặc lấy bản tính của Đức Chúa Trời, và sự công bình, tức là luật pháp chân thật. Một câu tóm gọn lại để nhận được sự yêu thương và quan tâm của Đức Chúa Trời trong công việc và cuộc sống:

23 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người. (Giăng 14)

Scroll to Top