Nội dung chính:
- Tại sao Đức Chúa Trời ban luật pháp cho Israel?
- Chúa Jesus bãi bỏ hay củng cố hiệu lực của luật pháp?
- Góc nhìn của Tân Ước về luật pháp
- Cách sống theo giao ước mới (Tân Ước)
- Đúc kết
Ba điều lưu ý nhỏ trước khi đọc bài viết này:
1. Tất cả chữ “luật pháp” trong bài viết này đều hàm ý là luật pháp do chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho Israel trên núi Sinai (Xuất Ê-díp-tô Ký chương 19-35) cùng các hệ thống luật lệ trong Lê-vi Ký.
2. Đây là bài viết dành cho tất cả những ai tin vào Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Jesus, không phân biệt bạn thuộc hệ phái hoặc bất cứ cộng đồng Cơ đốc nào trên toàn thế giới. Vì lẽ thật (hay còn gọi là “sự thật”, “chân lý”) là dành cho tất cả mọi người.
3. Bạn nên mở ra tra cứu các địa chỉ Kinh thánh được đề cập trong khi đọc bài viết này. Đừng chỉ dựa trên những gì trình bày trong bài viết mà lấy làm đủ!
Hầu hết những ai tin Chúa đều biết rằng chỉ bởi tuân thủ luật pháp thì không thể nào đạt được sự tha thứ (ân điển) và được xưng công bình – kể cả trong trường hợp bạn có thể thực hiện đúng luật pháp 100% trong cuộc sống!
Bạn biết rằng bạn không thể làm gì để đạt được sự sống đời đời. Bạn tin rằng sự sống đời đời, sự tha tội là một món quà Đức Chúa Trời ban tặng cho tất cả những ai tin Jesus là Con một và là Đấng Trung bảo do Đức Chúa Trời sai đến (Giăng 17:3, I Ti-mô-thê 2:5). Đó gọi là ân điển – một cơ hội được tha thứ dành sẵn cho cuộc đời mỗi người cho dù trước đó họ có phạm tội như thế nào đi nữa.
Qua đó, bạn hiểu rằng bạn được xưng công bình bởi đức tin. Đây là sự thật chính xác dựa trên lời hứa của chính Đức Chúa Trời dành cho dòng dõi Abraham (sách Rô-ma các chương 3, 4, 5, và 9). Hơn nữa, đã có lời chép:
“Trước đã nói: Chúa chẳng muốn, chẳng nhậm những hi sinh, lễ vật, của lễ thiêu, của lễ chuộc tội, đó là theo luật pháp dạy; sau lại nói: Đây nầy, tôi đến để làm theo ý muốn Chúa. Vậy thì, Chúa đã bỏ điều trước, đặng lập điều sau. Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả.“
(Hê-bơ-rơ 10:8)
Tuy nhiên, vài câu hỏi đặt ra dành cho những ai đã có đức tin:
- Một khi chúng ta được cứu, chúng ta có cần tuân theo một bộ quy tắc những việc nên làm và không nên làm không? Hay chỉ cần làm theo điều lương tâm mỗi người cho là phải?
- Hay là, toàn bộ luật pháp Đức Chúa Trời đã phán trên núi Sinai đã bị xóa bỏ? Hoặc chỉ xóa bỏ một phần, vài phần, hay chỉ còn giữ lại 10 điều răn? Hoặc thậm chí chúng ta có quyền thay đổi điều răn cho phù hợp thời đại ngày nay?!
- Hoặc là, bây giờ chỉ cần tin Chúa Jesus tha tội là đủ bởi vì đây là “thời kỳ ân điển”, và những lời phán từ ngày xưa bởi Đức Giê-hô-va chỉ còn mang giá trị tham khảo, đọc để cho biết mà thôi, không làm theo cũng không sao?
- Liệu rằng, tất cả sự xâm phạm lợi ích của con người với nhau chỉ cần một lời nói “tình yêu thương” là xóa sạch tất cả, biến đen thành trắng, không cần ràng buộc gì về nghĩa vụ pháp lý?
Để trả lời những câu hỏi này, trước tiên chúng ta sẽ xem xét mục đích cơ bản của Đức Chúa Trời qua việc ban hành luật pháp trong Lê-vi Ký. Thứ hai, người tin Chúa ngày nay thường không hiểu rõ ràng về sự liên quan của luật pháp Kinh thánh đối với cuộc sống hiện tại. Vì vậy, tiếp theo sau đó chúng ta sẽ xem xét một số đoạn Kinh Thánh để hiểu về cách tiếp cận luật pháp trong Tân Ước (tức là thời đại giao ước mới ngày nay).
Tại sao Đức Chúa Trời ban luật pháp cho Israel?
16 chương đầu tiên trong Lê-vi Ký bày tỏ những chỉ dẫn của Đức Chúa Trời để xử lý những thất bại của dân Y-sơ-ra-ên trong việc tuân theo các điều răn.
Ở đây bạn cần hiểu LUẬT PHÁP và ÂN ĐIỂN luôn tồn tại song song. Một mặt, Đức Chúa Trời thiết lập tiêu chuẩn sống, quản lý dân Israel thông qua luật pháp. Mặt khác, mỗi khi dân Israel không đáp ứng được tiêu chuẩn ấy, Ngài đã ban cho họ những sự hướng dẫn cụ thể để khi làm đúng theo là sẽ nhận được được ân điển – sự tha thứ.
Hãy nhớ rằng dân Y-sơ-ra-ên đã nói với Đức Chúa Trời, “Chúng tôi xin làm mọi việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:8). Tuy nhiên, không lâu sau đó, họ đã vi phạm các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời, trong ân điển của Ngài, đã ban cho họ SỰ HÒA THUẬN trong mối quan hệ với Ngài chỉ bởi SỰ ĐỔ HUYẾT của con sinh tế và các tế lễ dâng lên.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, những lời phán của Đức Chúa Trời còn hàm chứa nhiều điều vĩ đại hơn là chỉ xoay quanh nội dung hướng dẫn cách để chúng ta được tha tội.
Điều đó có nghĩa là CÓ MỘT MỤC ĐÍCH LỚN LAO HƠN TRONG KẾ HOẠCH CỨU RỖI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
Hãy nhớ tại Sinai, Đức Chúa Trời nói với dân Israel rằng họ sẽ trở thành sự sở hữu quý giá biệt riêng của Ngài, một vương quốc của các thầy tế lễ, một dân tộc thánh. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6, II Sa-mu-ên 7:23)
Đức Chúa Trời mong muốn biến đổi Israel (bao gồm tất cả những ai tin Chúa Jesus ngày nay) trở thành một nàng dâu hoàn hảo (Khải huyền 21:9), một dân tộc thuộc sở hữu riêng của Ngài, một dân tộc được tẩy sạch mọi ô uế: Là nơi mà loài người được phục hồi về đúng vị trí của mình với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời. Đây là mục đích cao nhất mà Đức Chúa Trời dành cho loài người, từ lúc tạo dựng Adam!
Nếu chúng ta có mối quan hệ như vậy với Đức Chúa Trời, thì chúng ta nên sống như thế nào? Chúng ta nên cư xử như thế nào? Nếu bạn là một phần của vương quốc thánh của Đức Chúa Trời, bạn nên sống như thế nào?
Chương 17 trở về sau của sách Lê-vi Ký đã trả lời các câu hỏi này.
Đức Chúa Trời đã đưa ra một câu nói lặp đi lặp lại nhiều lần trong Lê-vi Ký các chương 17-20: “Hãy nên thánh, vì ta là thánh.”
Là công dân của một quốc gia thánh thiện, bản thân họ (Israel) hoặc phải nên thánh – hoặc họ KHÔNG thuộc về quốc gia đó.
Nếu bạn cho rằng bạn có thể sống theo tiêu chuẩn riêng của bạn, không cần thiết phải nên thánh, mà vẫn có thể vào được vương quốc của Đức Chúa Trời thì đó là một quan điểm không được hậu thuẫn bởi Kinh thánh. Minh chứng là lời Chúa Jesus đã phán cho 7 hội thánh trong Khải huyền (Đọc Khải-huyền 2:5, 2:16, 2:22, 3:3, 3:16).
Bạn phải hiểu tất cả những thành viên trong các hội thánh đó đều là những người thuộc thế hệ thân cận với các sứ đồ đầu tiên. Tất cả họ đều biết đúng sự thật về vai trò Con một và giá trị huyết của Chúa Jesus (Giăng 3:16). Nền tảng tín lý của họ chưa bị biến tướng trầm trọng như các cộng đồng Cơ đốc của thế kỷ 21. Vậy thì tại sao họ vẫn phải nhận lấy những án phạt của Chúa Jesus trong khi đang ở “thời kỳ ân điển”???
Quá rõ ràng, hoặc là bạn phù hợp với tiêu chuẩn thánh của Đức Chúa Trời, hoặc là bạn sẽ bị loại.
Tuy nhiên, không phải ai tin Chúa cũng hiểu “nên thánh” nghĩa là như thế nào. Liệu “nên thánh” có phải là sống theo luật pháp hay không?
Để biết sự thật, chúng ta cần tìm hiểu về ý nghĩa của “nên thánh” theo lời Đức Chúa Trời đã bày tỏ.
Bây giờ, trong bốn chương Lê-vi Ký 17-20, bạn sẽ tìm thấy nhiều quy tắc và luật lệ. Đức Chúa Trời đang giúp dân Y-sơ-ra-ên biết cách cư xử như một dân tộc thánh. Ngài hướng dẫn họ thông qua những điều nên và không nên làm.
Khi đọc kỹ về những luật lệ, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra thông qua những dòng văn luật pháp, Đức Chúa Trời đã cho thấy chính bản tính của Ngài – luật pháp không phải là các quyết định độc đoán của Đức Chúa Trời, mà là kết quả từ bản tính nhân từ của Ngài.
Hãy suy ngẫm tại sao Đức Chúa Trời tạo ra Adam giống như hình tượng mình (Sáng-thế Ký 1:26) và Ngài luôn mong muốn đặt luật pháp trong lòng chúng ta chứ không phải trên bảng đá (Hê-bơ-rơ 8:10). Tất cả đều nhằm tiết lộ Đức Chúa Trời muốn chúng ta giống như Ngài.
Vì vậy, sự nên thánh chính là trở nên giống Đức Chúa Trời – về khía cạnh bản tính.
Và một cách tự nhiên, khi bạn càng giống Đức Chúa Trời thì mối quan hệ giữa bạn với Đức Chúa Trời càng vững bền.
Chúa Jesus bãi bỏ hay củng cố hiệu lực của luật pháp?
Vậy thì ở đây bạn đã hiểu được mục đích của tất cả luật lệ mà Đức Chúa Trời đã phán trên núi Sinai chính là để giúp loài người được sống, được giống như Ngài, và ở trong mối quan hệ với Ngài.
Sự kiện ban luật pháp trên núi Sinai là sự kiện duy nhất và đủ cả cho mọi thế hệ loài người qua các thời đại. Cho đến mãi về sau khi Chúa Jesus hoàn thành xong nhiệm vụ chết thay cho loài người, hoàn toàn không có bất cứ một lời tuyên bố chính thức nào từ Đức Chúa Trời và Chúa Jesus cho rằng hệ thống luật pháp Sinai bị bãi bỏ cả. Mà ngược lại:
“Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng.“
(Ma-thi-ơ 5:18)
“Trời đất qua đi còn dễ hơn MỘT NÉT CHỮ trong luật pháp phải bỏ đi. Ai bỏ vợ mình mà cưới vợ khác, thì phạm tội tà dâm, ai cưới đàn bà bị chồng để, thì cũng phạm tội tà dâm.“
(Lu-ca 16:17)
Riêng về vấn đề bỏ vợ để cưới người khác, Chúa Jesus còn chấn chỉnh lại lời dạy của Môi-se (mà ngày xưa, một cách khá trùng hợp, đã từng bị thay đổi MỘT NÉT CHỮ!) cho đúng lại theo ý muốn của Đức Giê-hô-va:
“Lại có nói rằng: Nếu người nào để vợ mình, thì hãy cho vợ cái tờ để (theo Phục truyền 24). Song ta phán cùng các ngươi: Nếu người nào để vợ mà không phải vì cớ ngoại tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà dâm; lại nếu người nào cưới đàn bà bị để, thì cũng phạm tội tà dâm.“
(Ma-thi-ơ 5:31)
“Vậy các ngươi khá cẩn thận trong tâm thần mình; chớ đãi cách phỉnh dối với vợ mình lấy lúc tuổi trẻ. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ, và người nào lấy sự hung dữ che áo mình, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Vậy hãy giữ trong tâm thần các ngươi, chớ đãi cách phỉnh dối.“
(Ma-la-chi 2:14)
Nghĩa là Môi-se đã cho phép bỏ vợ thông qua đơn ly dị, tuy nhiên Chúa Jesus chấn chỉnh lại điều đó cho đúng ý của Đức Giê-hô-va.
Một ví dụ khác.
Luật hứa nguyện (thề) vẫn tiếp tục có hiệu lực đến ngày nay (Phục-truyền 23:21). Hoàn toàn không có chuyện bãi bỏ luật hứa nguyện. Bằng chứng là Chúa Jesus yêu cầu rằng, ngày nay, đừng nên đưa ra lời thề chi hết (Ma-thi-ơ 5:33) bởi vì trong Cựu Ước đã từng có nhiều nhân vật đưa ra lời thề nhưng cuối cùng dẫn đến kết quả không như ý muốn. Bởi vậy Chúa Jesus mới khuyên khôn ngoan nhất là đừng nên thề. Một lần nữa Chúa Jesus dạy người ta cách ứng xử khôn ngoan để đừng vi phạm luật, chứ không phải Chúa Jesus tuyên bố luật vô hiệu.
Trên đây chỉ là hai ví dụ nhỏ liên quan đến các điều luật mà Chúa Jesus không những bải bõ, mà trái lại, còn làm cho vững mạnh hơn về mặt pháp lý.
Ở đây cần lưu ý thêm, bài giảng của Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 5-6-7 mang các đặc điểm sau đây:
- Đây là bài giảng đầu tiên sau khi Chúa Jesus đã trải qua thử thách 40 ngày.
- Bài giảng này có nhiều ý tưởng mang tính nâng cấp tư duy trong cách nhận thức về luật pháp đã công bố tại núi Sinai, chứ không phải kêu gọi người ta ngừng phụ thuộc vào luật pháp.
- Ngoài ra, Chúa Jesus thông qua bài giảng này đã chấn chỉnh lại một số điều bị truyền thông lệch lạc từ thời Môi-se (ví dụ: vấn đề ly dị, trả thù…).
- Chúa Jesus còn khẳng định bài giảng này chính là nền đá vững chắc cho những ai được cứu (Ma-thi-ơ 7:24), còn ai không làm theo thì sẽ bị “hư hại rất nhiều” (câu 27).
- Cũng trong bài giảng này, Chúa Jesus có bày tỏ BÍ QUYẾT ĐỂ ĐƯỢC XƯNG LÀ LỚN TRONG NƯỚC THIÊN ĐÀNG (Ma-thi-ơ 5:19).
Góc nhìn của Tân Ước về luật pháp
Thật ra, không hiểu từ khi nào trên thế giới lại xuất hiện những lời giảng dạy cho rằng Cựu Ước là “thời kỳ luật pháp”, và Tân Ước là “thời kỳ ân điển”. Cho nên nhiều quan điểm nảy sinh cho rằng thời nay luật pháp không còn hiệu lực nữa.
Vậy sự thật là như thế nào?
Các sách giảng dạy thời Môi-se đã trình bày giữa một bên là luật pháp và một bên là ân điển hướng dẫn cách để được tha tội thông qua huyết sinh tế. Tương tự như vậy, trong lời giảng của Chúa Jesus đã trình bày rõ ràng về một bên là luật pháp (Ma-thi-ơ 5-6-7) và một bên là phương thức để nhận ân điển cứu chuộc, đó chính là ăn thịt và uống huyết Chúa Jesus (Giăng 6:54).
Như vậy, luật pháp và ân điển cùng tồn tại song song xuyên suốt từ Cựu Ước cho đến Tân Ước. Và luật pháp trong Tân Ước chính là lời phán dạy của Jesus Christ!
Sứ đồ Ê-Tiên đã thẳng thừng tuyên bố giáo quyền Do Thái lúc bây giờ (bao gồm người Pha-ri-si) đã không giữ luật pháp, trong lời giảng cuối cùng của ông (Công-vụ 7:53), bởi vì họ – giáo quyền Do Thái – đã không chấp nhận một đại diện có thẩm quyền cao nhất để giảng dạy luật pháp do Đức Chúa Trời sai đến: Chính là Chúa Jesus!
Có một sự thật là, loài người qua mọi thời đại đều phản ứng giống nhau: Luôn luôn chối bỏ luật pháp Môi-se đã truyền và luôn luôn xem nhẹ luật pháp Jesus đã công bố!
Điều đó cho thấy ở bất cứ thời đại nào, luật pháp vẫn có hiệu lực như bình thường. Và ở bất cứ thời đại nào, ân điển (còn gọi là sự tha thứ) của Đức Giê-hô-va vẫn tồn tại do loài người liên tục phạm luật. Có khác chăng là ở cách thức thực hiện nằm trong hệ thống quy định về sinh tế, thầy tế lễ.
Bây giờ chúng ta hãy xem góc nhìn của Tân Ước về luật pháp:
Bạn hãy chú ý sự phân chia giữa hai phần: Phần một (chương 1-3) và Phần hai (chương 4-6) trong sách Ê-phê-sô.
Cùng lúc đó, bạn để ý sự phân chia giữa hai phần: Phần một (chương 1-16) và Phần hai (chương 17-27) trong sách Lê-vi Ký.
Cả hai sự phân chia này khá tương đồng với nhau. Trong phần một (chương 1-3) của Ê-phê-sô, Phao-lô nói về ơn phước thuộc linh của chúng ta trong Chúa Jesus, tức là ân điển, sự tha thứ, cùng những phước lành khác. Và từ chương 4, Phao-lô nói về cách chúng ta nên sống thế nào để phù hợp với các phước lành từ Đức Chúa Trời ban cho thông qua Chúa Jesus.
Tương tự như vậy, trong sách Lê-vi Ký, các điều luật về xã hội/dân sự không phải là để chúng ta làm theo nhằm đạt được ân điển (sự tha tội) của Đức Chúa Trời. Mà đúng hơn, sau khi bạn đã được tha thứ thông qua huyết con sinh tế (giả sử bạn sống trong thời kỳ Lê-vi Ký), đã nhận được ân điển của Đức Chúa Trời rồi, bạn sẽ tiếp tục làm theo luật pháp để được xứng đáng với ân điển ấy.
Vì vậy thứ tự sẽ diễn ra như thế này – theo nguyên tắc bày tỏ giống nhau cho cả Cựu Ước và Tân Ước:
- Đức Chúa Trời ban cho bạn phương thức để hòa thuận lại trong mối quan hệ với Ngài (thông qua huyết con sinh tế trong Cựu Ước, hoặc huyết Chúa Jesus trong Tân Ước).
- Bạn (cho dù bạn sống ở thời đại nào) CHỈ BỞI ĐỨC TIN rằng huyết ấy rửa sạch tội của bạn thì bạn sẽ được tinh sạch và khôi phục lại mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Đây gọi là ÂN ĐIỂN.
- Bạn bắt đầu cuộc sống mới trên nền tảng điều răn, lề luật để biết nên sống thế nào cho xứng đáng trong mối quan hệ đó.
Ở đây chỉ có bốn điểm khác biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước (xét riêng về mặt luật pháp):
- Khác biệt đầu tiên là giá trị của huyết sinh tế.
Huyết của bò, chiên, dê trong Cựu Ước thì không thể nào sánh bằng huyết của Chúa Jesus. Vì vậy mức độ hiệu lực cứu chuộc trong huyết của Chúa Jesus lớn đến nỗi chỉ cần một lần đổ huyết trên mộc hình là đủ – không cần phải diễn ra tái tục hằng năm như bò, chiên, dê.
- Khác biệt thứ hai là tiêu chuẩn về đồ ăn tinh sạch.
Nếu các luật lệ phân biệt giữa đồ ăn tinh sạch và ô uế trong Lê-vi Ký 11 đã từng được xem như tiêu chuẩn để nên thánh, thì ngày nay, Chúa Jesus đã ban cho chúng ta một cách tư duy mới về như thế nào mới là tinh sạch thật sự (đọc Ma-thi-ơ 15:11-19, Công-vụ 10:9-15). Tuy vậy, vẫn cần phải kiêng ăn của cúng thần tượng, huyết, thú vật chết ngột (Công-vụ 15:29).
- Khác biệt thứ ba là luật dân sự, hành chính, và hình sự.
Các luật lệ quy định về hôn nhân, mua bán, bất động sản, sinh hoạt cá nhân, nuôi dạy con cái, quản lý súc vật, canh tác mùa màng, thuế, nhập cư, an sinh xã hội, v.v… đã được trình bày rất rõ từ Xuất Ê-díp-tô Ký 20 trở về sau. Bộ luật này là một công cụ Đức Chúa Trời dùng để quản lý và vận hành quốc gia Israel theo sự trật tự và công bằng. Những bộ luật dân sự của các quốc gia ngày nay đều dựa trên mục đích đó. Vì vậy hãy tuân thủ theo luật tại nơi bạn sống vì điều đó, về cơ bản, không mâu thuẫn với giá trị nền tảng về sự yêu thương và “làm lành tránh dữ” trong luật pháp của Chúa. Cho nên hãy bám theo nguyên tắc trong sách Tít 3:1.
- Khác biệt thứ tư là vai trò thầy tế lễ.
Nếu Cựu Ước cần tới gia đình A-rôn, hay dòng dõi Lê-vi là chức tế lễ thì trong Tân Ước, Chúa Jesus đóng luôn vài trò đó.
Các nguyên tắc về sinh tế, các quy định cho thầy tế lễ, sự phân biệt giữa những thứ tinh sạch và không tinh sạch, và đặc biệt là ngày đại lễ chuộc tội – tất cả điều đó nhằm khắc họa việc làm của Chúa Jesus, là Con một của Đức Chúa Trời, và cũng là sinh tế hoàn hảo hơn hết.
Đó là lý do tại sao ngày nay chúng ta không cần dâng sinh tế, không cần thực hiện các công việc của A-rôn, của người Lê-vi bởi vì Chúa Jesus đã thực hiện việc đó xong rồi và bạn không cần phải làm gì thêm. Điều này hoàn toàn khác với suy nghĩ cho rằng “thời kỳ Tân Ước là thời kỳ bãi bỏ luật pháp”. Hoàn toàn không phải như vậy! Luật pháp vẫn tồn tại, nhưng riêng về mảng dâng sinh tế thì đã được đại diện thực thi bởi Chúa Jesus.
“Trước đã nói: Chúa chẳng muốn, chẳng nhậm những hi sinh, lễ vật, của lễ thiêu, của lễ chuộc tội, đó là theo luật pháp dạy; sau lại nói: Đây nầy, tôi đến để làm theo ý muốn Chúa. Vậy thì, Chúa đã bỏ điều trước, đặng lập điều sau.”
(Hê-bơ-rơ 10:8)
Thêm một ý nhỏ để hiểu rõ bối cảnh thời Cựu Ước: Nếu bạn sống trong thời đó và bạn là một người dân bình thường thuộc chi phái Y-sa-ca, Bên-gia-min, hay Nép-ta-li chẳng hạn, kỳ thực bạn cũng không cần phải làm theo luật tế lễ của người Lê-vi. Bởi vì đó là luật DÀNH RIÊNG cho nhà A-rôn và chi phái Lê-vi mà thôi!
Cách sống theo giao ước mới (Tân Ước)
Thực chất luật pháp bạn cần làm theo qua mọi thời đại là kính sợ duy nhất Giê-hô-va Đức Chúa Trời và tuân thủ luật hành chính/dân sự/hình sự (tức là cách đối xử, bảo vệ lợi ích giữa con người với nhau). Đây là hai điều mà bạn không thể né tránh được nếu tự nhận mình là con cái Đức Chúa Trời. Thật ra để làm tốt luật dân sự thì không khó, bản chất vẫn là tình yêu thương.
Nhưng đừng nghĩ chỉ có trong Tân Ước mới kêu gọi tình yêu thương. Hãy đọc kỹ luật pháp của GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI:
“Ngươi phải kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, phục sự Ngài, tríu mến Ngài, và chỉ danh Ngài mà thề.“
(Phục-truyền 10:20)
“Chớ có lòng ghen ghét anh em mình; hãy sửa dạy kẻ lân cận mình, đừng vì cớ họ mà phải mắc tội. Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân sự mình; nhưng hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình: Ta là Đức Giê-hô-va.”
(Lê-vi Ký 19:18)
Đối chiếu với lời Chúa Jesus phán:
“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”
(Ma-thi-ơ 22:37)
Làm sao Chúa Jesus có thể nói rằng tất cả Luật pháp đều dựa trên hai điều răn này? Bởi vì Luật pháp bày tỏ đặc tính của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời là tình yêu thương!
Một lần nữa, luật pháp không phải là phương thức để bạn được xưng công bình trước Đức Chúa Trời. Nói đúng hơn, sống theo luật pháp là kết quả của mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời.
Bạn hãy mở Ga-la-ti chương 5.
Hãy nhớ lại rằng toàn bộ sách Ga-la-ti đề cập đến luật pháp. Một số Cơ đốc nhân Do Thái đã đến Ga-la-ti sau Phao-lô và nói với những tín đồ dân ngoại rằng họ phải trở thành người Do Thái, phải chịu phép cắt bì và tuân theo mọi luật lệ, nếu không họ sẽ không được cứu.
Phao-lô trả lời rằng đây là một phúc âm sai – bởi vì nó tiết lộ sự hiểu lầm cơ bản về vai trò của luật pháp trong mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời.
Sau bốn chương nhấn mạnh về sự tự do mà chúng ta có trong Đấng Christ, qua cách chúng ta được cứu bởi ân điển và chỉ một mình ân điển, Phao-lô quay trở lại vai trò chính xác của luật pháp trong Ga-la-ti chương 5 và 6.
Vì vậy, trong Đấng Christ, chúng ta được tự do; vị trí của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời được đảm bảo – với điều kiện chúng ta còn bước đi trong ánh sáng (I Giăng 1:6-7).
Chúng ta thực sự tự do. Nhưng sự tự do của chúng ta trong Đấng Christ không có nghĩa là chúng ta có quyền hành động như người vô luật! Chúa cứu chúng ta vì một mục đích, và mục đích đó là để trở nên giống Ngài, làm cho chúng ta trở nên một nàng dâu hoàn hảo.
Đúc kết
Đức Chúa Trời không dừng lại với việc sai Chúa Jesus gánh chịu hình phạt cho tội lỗi của chúng ta để chúng ta có cơ hội được xưng công bình. Đức Chúa Trời không dừng lại ở đó. Ngài nâng chúng ta lên và đặt chúng ta đồng trị với Đấng Christ trong nước trời. Đức Chúa Trời đang biến đổi chúng ta trở thành cô dâu hoàn hảo của Đấng Christ – thánh khiết, không chỗ chê trách, không tì vết.
Cách nhìn của Tân ước về Luật pháp là cùng nền tảng với lẽ thật Cựu ước – nhưng tiến xa hơn một bước. Trong Cựu Ước, rõ ràng là dân sự của Đức Chúa Trời nên sống theo ý muốn đã được tiết lộ của Ngài – nhưng họ chưa được ban năng lực toàn vẹn để vâng phục từ trong lòng. Sau sự chết của Chúa Jesus và sự ban cho Thánh Linh, chúng ta có đặc ân trở thành đền thờ của Đức Chúa Trời; Thánh Linh hoạt động trong chúng ta, ban sức mạnh để chúng ta sống một cuộc đời xứng đáng với sự kêu gọi của Ngài.
Đức Chúa Trời đã xác định rằng chúng ta sẽ phải giống như Ngài – và luật pháp tiết lộ chính tính cách của Ngài. Vì vậy, hãy tiếp tục đồng hành với Thánh Linh và phát triển đúng theo nền tảng tư duy mới về luật pháp mà Chúa Jesus đã giảng dạy!
24 Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá. 25 Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá. 26 Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. 27 Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều.
(Ma-thi-ơ 7)
28 Vả, khi Đức Chúa Jêsus vừa phán những lời ấy xong, đoàn dân lấy đạo Ngài làm lạ; 29 vì Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống các thầy thông giáo.